Vì sao Iran vẫn nhận máy bay huấn luyện Yak-130 sau khi đã hủy hợp đồng Su-35?

ANTD.VN - Máy bay huấn luyện Yak-130 được Iran mua với mục đích chính là để phi công tập lái Su-35, nhưng thương vụ mua tiêm kích đã bị hủy.

Iran đã nhận được máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga, cặp phi cơ đầu tiên sau khi tiếp nhận đóng tại căn cứ không quân chiến thuật số 8 mang tên Shahid Babai ở Isfahan, hãng thông tấn Tasnim cho biết.

Không quân Iran cuối cùng đã có trong biên chế máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130, thông tin về việc Tehran mua một số lượng chưa xác định phi cơ loại này đã xuất hiện vào đầu tháng 7/2023.

Hiện tại cả Iran và Nga đều không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc ký kết hợp đồng. Trong lúc này, Không quân Iran đã nhận được 2 chiếc Yak-130, số phi cơ trên hoạt động tốt sau khi lắp ráp trở lại.

Trước đó một cặp Yak-130 đã được máy bay vận tải quân sự An-124-100 từ phi đội 224 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đưa tới Iran vào tháng 8 năm nay, nhưng chưa rõ ngày chính xác.

Theo báo chí Iran, máy bay Nga được mua để đào tạo các phi công trẻ, những người sẽ lái những chiến đấu cơ mới của Không quân Cộng hòa Hồi giáo. Tehran chọn Yak-130 nhằm tạo ra sự thống nhất trong huấn luyện với tiêm kích thế hệ 4++ như Su-35.

Được biết, Iran đã đàm phán với Nga về việc cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 và máy bay huấn luyện Yak-130 từ năm 2015. Không có thông tin chính xác về số lượng phi cơ đã đặt hàng.

Tuy vậy mới đây Iran đã hủy thương vụ tiêm kích Su-35 ký với Nga vì nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, thực tế trên đặt ra câu hỏi về vai trò của những chiếc Yak-130 mà Tehran mới tiếp nhận.

Nguyên nhân thương vụ Su-35 bị hủy bắt nguồn từ việc Tehran muốn Moskva cung cấp một số công nghệ để Iran có thể độc lập sản xuất phụ tùng thay thế cần thiết và tiến hành bảo dưỡng máy bay mà không cần sự trợ giúp từ phía Nga.

Tuy nhiên Moskva không sẵn sàng chia sẻ những công nghệ nói trên do liên quan đến bí mật quốc phòng, ngoài ra còn để Iran không thể can thiệp vào thương mại quân sự của Nga sau này.

Tiếp theo, Iran đã yêu cầu Nga cung cấp thiết bị mô phỏng kỹ thuật số cho tiêm kích Su-35 như một phần của hợp đồng để tạo thuận lợi cho việc đào tạo phi công tại chỗ, nhưng Moskva cũng từ chối Tehran điều này.

Ngoài ra một vấn đề rất quan trọng nữa là Nga không có ý định sản xuất thêm các máy bay chiến đấu Su-35 để xuất khẩu ngoài lô 24 chiếc trước đây của Ai Cập mà họ định giao cho Iran.

Các tiêm kích Su-35 mà Không quân Nga nhận trong thời gian gần đây bị cho là bản hạ thấp tính năng so với loại dành cho xuất khẩu nhằm đáp ứng đòi hỏi từ chiến trường, đồng thời cũng vượt qua khó khăn do thiếu linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.

Con số 24 tiêm kích Su-35 là không đủ đối với Iran, khi nước Cộng hòa Hồi giáo muốn nhận ít nhất 64 chiếc để "thay máu" hoàn toàn lực lượng không quân, khi các chiến đấu cơ F-14 Tomcat, F-4E Phantom 2 và cả MiG-29 đã quá cũ.

Nhưng với việc Iran vẫn tiếp nhận máy bay huấn luyện Yak-130, giới phân tích cho rằng Tehran vẫn sẵn sàng quay lại với hợp đồng đặt mua tiêm kích Su-35 vào một thời điểm thích hợp.