Các xe tăng T-64 với pháo 125 mm đi kèm bộ nạp đạn tự động và giáp phức hợp composite chắc chắn tốt hơn nhiều so với T-62, nhưng Nga chưa có ý định tái sử dụng 2.500 chiến xa loại này đang nằm trong kho lưu trữ, nguyên nhân do đâu?
Khi xe tăng T-72 và T-80 bị thiệt hại trên chiến trường Ukraine, Quân đội Nga đã phải lấy những xe tăng T-62 ra khỏi kho bảo quản để nâng cấp nhẹ rồi tung ra chiến đấu, bất chấp pháo cỡ nòng 115 mm của chúng khác hệ và kíp xe cần thêm 1 người.
Mọi việc lẽ ra đơn giản hơn nhiều nếu Nga sử dụng xe tăng T-64 mạnh mẽ hơn hẳn, nhưng đến nay Moskva không cho thấy có ý định như vậy trong tương lai gần, nguyên nhân được giới quan sát giải thích như sau.
Vướng mắc lớn nhất đối với T-64 nằm ở động cơ 5TDF đòi hỏi rất cao cả về điều kiện hoạt động và bảo trì. "Trái tim" này khá mong manh khi không chịu được quá nhiệt, không khởi động tốt trong thời tiết lạnh và quá nhạy cảm với bụi. L
Việc Nga lựa chọn các "xe tăng cổ" với động cơ diesel V-55V công suất chỉ 580 mã lực nhưng lại phổ biến và đơn giản cho thấy tính toán của Moskva. Thứ nhất, rất ít kỹ thuật viên còn nhớ cách bảo dưỡng và sửa chữa động cơ 5TDF khi nó đã bị loại bỏ khỏi biên chế trong nhiều năm.
Thứ hai, các phụ tùng thay thế cho động cơ 5TDF không được sản xuất tại Nga. Các kho bảo quản có lượng dự trữ cần thiết của các bộ phận lắp ráp, nhưng Quân đội Nga thiếu các chuyên gia hiểu biết về các thiết bị vốn được sản xuất tại Nhà máy Kharkiv của Ukraine.
Trên thực tế, Quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã lên kế hoạch nhưng không kịp thời đánh chiếm nhà máy kỹ thuật hạng nặng Kharkiv, nơi còn nhiều tài liệu kỹ thuật về cách làm việc với những động cơ 5TDF này.
Một số nhà bình luận đề xuất tháo phụ tùng từ những chiếc T-64 tình trạng kém để lắp cho những chiếc "khỏe mạnh hơn" nếu bất chợt chúng gặp phải hỏng hóc trên chiến trường.
Nhưng nếu vậy để phục vụ mỗi chiếc T-64 đang hoạt động, cần khoảng 3 xe tăng nữa sẵn sàng ở khu vực kỹ thuật để tháo lấy phụ tùng. Trong điều kiện thời chiến với tình trạng hậu cần khó khăn, đây là một điều xa xỉ không thể chấp nhận được.
Việc thay thế hoàn toàn động cơ 5TDF của xe tăng T-64 bằng một loại khác cũng là bất khả thi, vì xe tăng Liên Xô không có hệ thống động lực dạng module tương tự chiến xa phương Tây, ngoài ra thế mạnh về động cơ là của Ukraine chứ không phải Nga.
Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra lúc này đó là tại sao trong Lực lượng vũ trang Ukraine, các xe tăng T-64 thuộc nhiều phiên bản hiện đại hóa khác nhau vẫn giữ vai trò xương sống của các đơn vị thiết giáp.
Đơn giản vì hơn 30 năm qua, với tư cách là nhà sản xuất, các kỹ sư quân sự Ukraine đã miệt mài hoàn thiện động cơ diesel độc nhất trên xe tăng T-64 của mình, trong khi Nga bỏ quên hoàn toàn thiết bị này.
Các sửa đổi sau này của động cơ 5TDF bao gồm 6TD-1, 5TDFM và 5TDFM-1 đã khắc phục gần như toàn bộ những nhược điểm cố hữu của "trái tim" T-64, hơn nữa còn cải thiện đáng kể công suất và độ tin cậy.
Chính vì vậy, mặc dù rất muốn gọi tái ngũ dù chỉ một phần trong số 2.500 xe tăng T-64 đang trong tình trạng niêm cất bảo quản, Quân đội Nga cũng đành "lực bất tòng tâm".
Trên chiến trường, một số xe tăng T-64BV cũng được nhìn thấy trong đội hình tác chiến của Quân đội Nga, nhưng đó là chiến xa gốc Ukraine bị bắt giữ làm chiến lợi phẩm, không phải nguyên gốc của họ.