- Ông Donald Trump sẵn sàng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong thời gian ngắn
- Hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa tuyên bố tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ
- Lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm
Ông Kevin McCarthy đã trở thành vị Chủ tịch Hạ viện có thời gian nắm giữ chức vụ ngắn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ với 269 ngày tại nhiệm |
Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ với đa số sít sao 221 - 212 và chỉ cần có 5 người “nổi loạn” là có thể đe dọa quyền lực của ông McCarthy (trong trường hợp tất cả các thành viên Dân chủ tại Hạ viện cùng bỏ phiếu phế truất). Điều này đã xảy ra tại cuộc bỏ phiếu 3-10. Với kết quả này, ông McCarthy đã trở thành vị Chủ tịch Hạ viện có thời gian nắm giữ chức vụ ngắn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ với 269 ngày tại nhiệm (bắt đầu từ ngày 7-1-2023). Đáng nói, chức vụ Chủ tịch Hạ viện chỉ đến với ông McCarthy sau 15 vòng bỏ phiếu lịch sử và kịch tính do cuộc đấu đá nội bộ gay gắt giữa các thành viên đảng Cộng hòa.
Đầu tiên, phải nói rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị chính phe mình kiến nghị bất tín nhiệm. Sóng gió bắt đầu từ những mâu thuẫn giữa Hạ nghị sĩ cực hữu của đảng Cộng hòa Matt Gaetz với ông McCarthy. Ông Gaetz là 1 trong hơn 10 nghị sĩ cực hữu Cộng hòa từng liên tục bỏ phiếu để cản trở ông McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1. Theo điều kiện để giành được ghế Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy đồng ý thay đổi quy định cho phép bất kỳ thành viên nào cũng được kiến nghị loại bỏ bãi nhiệm. Đây là tiền đề để ông Gaetz trình “kiến nghị bãi nhiệm” đối với ông McCarthy. Mâu thuẫn lên đỉnh điểm khi ông Gaetz cùng nhiều thành viên cực hữu khác trong đảng Cộng hòa không hài lòng trước việc ông McCarthy dựa vào phiếu của phe Dân chủ để thông qua dự luật ngân sách tạm thời vào cuối tháng 9-2023, nhằm ngăn khoản nợ 31,4 nghìn tỷ USD bị vỡ và buộc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa hoạt động một phần. Dự luật trên không bao gồm khoản viện trợ 6 tỷ USD cho Ukraine do vấp phải phản đối của nhóm cực hữu bao gồm ông Gaetz.
Theo hãng tin AP, phe bảo thủ trong Đảng Cộng hòa đã gây khó dễ cho ông McCarthy ngay khi ông bắt đầu ngồi vào chiếc ghế nóng nói trên hồi tháng 1-2023. Họ gây sức ép bằng cách không bỏ phiếu ủng hộ hoặc cản trở các kế hoạch của ông. Ông Gaetz và những người chỉ trích khác cho rằng, ông McCarthy không trở thành lãnh đạo mà đảng này cần. Vài tháng trước, nhóm nghị sĩ này đã phản đối thỏa thuận giữa ông McCarthy và Nhà Trắng về vấn đề nâng trần nợ công, trong lúc đòi hỏi Hạ viện giảm chi tiêu xuống mức thấp hơn nữa. Với họ, thỏa thuận mới đây nhằm tạm ngăn chính phủ đóng cửa không khác gì giọt nước tràn ly vì không có ưu tiên nào của họ được đưa vào. “Lý do Kevin McCarthy bị sa thải hôm nay là không ai tin tưởng ông. Kevin McCarthy đã đưa ra nhiều lời hứa trái ngược” - Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của Florida nói sau cuộc bỏ phiếu.
Trong những tuần gần đây, ông McCarthy còn nhiều lần “chọc giận” các thành viên đảng Dân chủ như phát động một cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Joe Biden. Vì thế, khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra do phía người của đảng Cộng hòa khởi xướng, họ đã không làm gì để giúp đảng đối thủ giải quyết mâu thuẫn nội bộ.
Bà Theda Skocpol - nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard cho rằng, động lực cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ chính trị của ông McCarthy còn là bởi sự tức giận của người dân với đảng trà (Tea Party) mà ông McCarthy là một trong những nhân vật tiêu biểu. Trên tờ Politico, bà Theda Skocpol (vốn am hiểu về sự trỗi dậy của Tea Party) nhấn mạnh rằng, vào những năm 2010, ngay trước khi ông Donald Trump nổi lên, Tea Party khuấy động phong trào muốn làm nổ tung tất cả phe không hợp tác, làm chính trị trên Twitter… Khi đó, ông McCarthy và một số chính trị gia khác nổi lên bằng cách khai thác sức mạnh cơ sở của phong trào này, hứa hẹn sẽ cắt giảm chi tiêu của chính phủ, hạn chế quyền lực liên bang và cản trở các mục tiêu chính sách của chính quyền Tổng thống Obama. Tea Party giờ không còn tồn tại chính thức như một phe trong Quốc hội nữa, nhưng việc ông McCarthy nổi tiếng nhờ liên minh với phong trào này cũng là nguồn cơn khiến ông không thu phục được người khác và dễ bị loại bỏ đến vậy.
“Tôi hy vọng bạn nhận ra, mỗi ngày tôi đều thực hiện công việc. Bất kể bạn có đánh giá thấp tôi hay không, tôi vẫn muốn làm điều đó với một nụ cười” - ông McCarthy phát biểu sau khi bị bãi nhiệm. Ông cũng cho biết không hối hận vì đã lựa chọn “lãnh đạo thay vì chia rẽ và tiếp tục phàn nàn”, đồng thời xác nhận sẽ không tái tranh cử Chủ tịch Hạ viện.