- Triều Tiên nhờ Liên Hợp Quốc can thiệp vụ Mỹ giữ tàu chở hàng
- Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên nâng cấp điểm phóng tên lửa
- Triều Tiên ghi nhận lượng mưa thấp nhất trong vòng 100 năm
Nhìn lại cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953)
Trước đây, cái gọi là "vấn đề Triều Tiên" bắt nguồn từ chiến tranh Triều Tiên (từ tháng 6-1950 đến tháng 7-1953). Chiến tranh nổ ra ngày 25-6-1950, chỉ hai ngày sau, ngày 27-6, Mỹ chính thức tham chiến với một lực lượng lên đến 48 vạn quân.
Sau khi Mỹ tham chiến, cục diện chiến tranh hoàn toàn thay đổi, liên quân Mỹ-Hàn vượt qua vĩ quyền 38 đánh thẳng vào Bình Nhưỡng, tiến sát đến sông Áp Lục, biên giới Triều-Trung.
Quân đội Triều Tiên nổ súng trong cuộc chiến tranh 1950-1953
Cảm thấy bị đe dọa và được Liên Xô "bật đèn xanh", ngày 25-10-1950, 78 vạn "quân chí nguyện Trung Quốc" đã tràn qua sông Áp Lục, tiến vào đất Triều Tiên, thay thế Liên Xô trong vai trò là người điều khiển cuộc chiến bên phía Trung-Triều-Xô.
Cuộc nội chiến giữa hai miền Triều Tiên đã biến thành cuộc chiến tranh nóng trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai (1941-1945).
Theo đó, hai bên chiến tuyến đã được hoạch định rõ ràng, một bên do Mỹ điều khiển (gồm 48 vạn quân Mỹ, 49 vạn quân Hàn Quốc và hàng vạn quân các nước khác dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc), bên kia do Trung Quốc chủ đạo (gồm 78 vạn quân chí nguyện Trung Quốc, 26 vạn quân Triều Tiên, cùng với 2,6 vạn cố vấn, chuyên gia quân sự và binh lính hỗ trợ từ Liên Xô).
Yếu tố Mỹ-Trung Quốc là khởi nguồn
Sau hơn 3 năm kịch chiến, ngày 27-7-1953, Hiệp định đình chiến Triều Tiên đã được ký kết tại Bàn Môn Điếm, với đại diện của "quân chí nguyện" Trung Quốc (Tư lệnh kiêm chính ủy Bành Đức Hoài), quân đội Nhân dân Triều Tiên (Tư lệnh Tối cao Kim Nhật Thành) và quân đội Mỹ (Tư lệnh lực lượng Liên hợp quốc, tướng Mỹ 4 sao Mark Wayne Clark).
Do Tổng thống Hàn Quốc bấy giờ là Lý Thừa Vãn không chấp nhận Hiệp định này nên không có đại diện của quân đội Hàn Quốc ký. Dù đã có Hiệp định đình chiến nhưng hai miền Triều Tiên vẫn nằm trong trạng thái chưa có hòa bình, vẫn bị chia cắt hai miền, nằm ở hai chiến tuyến đối địch nhau trong chiến tranh lạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Nguồn: Reuters)
Ngay sau đình chiến, ngày 1-10-1953, Mỹ-Hàn đã ký "Hiệp ước phòng vệ chung Mỹ-Hàn", quân Mỹ tiếp tục đồn trú tại Hàn Quốc. Cuối năm 1958, quân chí nguyện Trung Quốc rút khỏi Triều Tiên và đến ngày 11-7-1961, Trung-Triều ký "Hiệp định hữu nghị hợp tác tương trợ lẫn nhau".
Năm 1991, Liên hợp quốc cùng lúc chấp nhận Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc làm thành viên của Liên hợp quốc và năm 1992, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, một bước ngoặt mới trong chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến này đã sản sinh ra "vấn đề Triều Tiên", bởi vậy, đương nhiên Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai bên đương sự chủ yếu, hai nhân tố quyết định của "vấn đề Triều Tiên".
Theo giới chuyên gia, "vấn đề hạt nhân Triều Tiên" xét cho cùng chỉ là công cụ thể hiện bên ngoài, còn bản chất của "vấn đề Triều Tiên" lại chính là vấn đề địa-chính trị.
Thực trạng và dự báo "vấn đề Triều Tiên"
Hiện nay, dưới thời Tổng thống Mỹ D. Trump với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "Tự tin thể hiện", cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai "kỳ phùng địch thủ" Mỹ-Trung tại khu vực Đông Bắc Á ngày càng quyết liệt, đặc biệt khi Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược "Vành đai, Con đường" với hàm ý tạo ảnh hưởng ở khắp các quốc gia mà con đường này đi qua.
Mỹ không cho phép điều này dễ dàng xảy ra, tìm cách kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, nước đang đe dọa vị trí "siêu cường" của Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên trong một buổi diễu hành
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn tình hình chuyển biến theo hướng bất lợi cho Trung Quốc (khi gần đây Mỹ-Triều tự tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh riêng, dần mờ nhạt vai trò của Trung Quốc); cũng không có ai muốn thực sự loại bỏ vai trò đáng có của Trung Quốc trong các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Vả lại, Trung Quốc còn nhiều "con bài" có thể chơi trong một cuộc chơi không thể không có Trung Quốc.
Sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 (2-2019) tại Hà Nội đến nay, hai nước liên tục đưa ra các phát biểu mang tính cứng rắn, trái chiều với nhau. Tuy nhiên, cả Mỹ và Triều Tiên vẫn phải tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua cơ chế đàm phán song phương. Điều này bắt nguồn từ những lý do sau:
Thứ nhất, đối với Triều Tiên, những lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hợp quốc từ năm 2016 đến nay đã gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề cho nước này. Theo đánh giá của Reuters (2-2019), trong năm 2019, Triều Tiên sẽ thiếu 1,4 triệu tấn lương thực, chưa kể tình trạng thiếu năng lượng sẽ tiếp tục làm tê liệt ngành công nghiệp, chế tạo máy móc và ngành sản xuất hàng tiêu dùng của nước này.
Ý thức được những khó khăn trên, nên trước Hội nghị thượng đỉnh lần 2 có nhiều tướng lĩnh và giới chủ doanh nghiệp đã gửi thư lên Chủ tịch Kim yêu cầu ông không tham gia Hội nghị lần này, nhưng ông vẫn tham gia. Điều này chứng tỏ, nhóm lợi ích không thể thắng được Chủ tịch Kim Jong-un về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên qua đàm phán trực tiếp với Mỹ.
Đây chính là "lối thoát" duy nhất để Triều Tiên có thể phát triển kinh tế, mở cửa thị trường để thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.
Thứ hai, đối với Mỹ, bất chấp chính sách cứng rắn của một số quan chức trong Nội các như Cố vấn An ninh quốc gia J. Bolton, Ngoại trưởng M. Pompeo (thích dùng quân sự để nói chuyện với Triều Tiên), Tổng thống D. Trump vẫn duy trì các kênh đối thoại song phương với nước này. Bởi vấn đề hạt nhân Triều Tiên được coi là di sản đối ngoại hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ, bên cạnh việc tham gia đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
Do đó, dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối, ông Trump vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận này với Triều Tiên. Nhưng chú ý, yếu tố Trung Quốc có thể tác động đến tiến trình này trong tương lai, bởi có một số nguồn tin cho rằng, việc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không thành công, có sự "nhúng tay" của nước này.
Như vậy, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến một ngày nào đó có thể sẽ được giải quyết nhưng vấn đề địa-chính trị khu vực Đông Bắc Á sẽ vẫn còn đó. Con đường phía trước còn rất dài và nhiều trắc trở, nhưng người ta đang nhìn thấy những khởi điểm mới (cải thiện quan hệ liên Triều, chính sách có phần nới lỏng của Triều Tiên), rất có thể sẽ biến những hy vọng trở thành hiện thực trong tương lai.