Trung Quốc đã chính thức trưng bày nguyên mẫu UAV tàng hình CH-7 tại Triển lãm Hàng không Airshow China 2024 diễn ra tại thành phố Chu Hải, phương tiện bay này ngay lập tức gây sửng sốt cho giới truyền thông.
Lý do là bởi rất dễ nhận thấy chiếc UAV tấn công này có rất nhiều nét tương đồng với máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 Raider mới nhất của Mỹ, thực tế trên đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về nguồn gốc thiết kế.
"UAV tàng hình CH-7 do Trung Quốc sản xuất được thiết kế nhằm thực hiện nhiệm vụ ở độ cao lớn và thời gian dài, chức năng chính bao gồm trinh sát, thu thập thông tin và tung đòn tấn công chính xác vào những đối tượng có giá trị cao".
"Chiếc CH-7 có chiều dài khoảng 10 m, sải cánh trên 22 m, 'trái tim' của nó là một động cơ phản lực cánh quạt đơn, cho tốc độ hành trình Mach 0,5 - 0,6 và tối đa lên đến Mach 0,75".
"Chiếc máy bay không người lái đặc biệt này có thể hoạt động ở độ cao lên đến 13 nghìn mét, khả năng hoạt động liên tục trong khoảng 15 giờ và tầm bay 2 nghìn km".
"Trọng lượng cất cánh tối đa của CH-7 vào khoảng 13.000 kg và khoang vũ khí bên trong được thiết kế để giảm tín hiệu phản xạ radar, từ đó nâng cao khả năng tàng hình", ấn phẩm chuyên ngành Army Recognition nhận xét.
Các nhà phân tích người Mỹ đánh giá UAV tàng hình CH-7 là công cụ thể hiện mong muốn của Trung Quốc trong việc tạo ra cuộc cách mạng máy bay không người lái và đưa phương tiện này vào một chiến lược quân sự rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, việc UAV tàng hình CH-7 có sự tương đồng đáng kinh ngạc với máy bay ném bom chiếc lược B-21 Raider một lần nữa làm nổi lên cuộc tranh luận về nguồn gốc những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, liệu có phải Bắc Kinh đã sao chép được công nghệ của Mỹ?
Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc được cho là theo đuổi kỹ thuật thiết kế ngược thông qua việc mua hay sao chép công nghệ bí mật của nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ để đẩy nhanh tốc độ phát triển vũ khí của mình.
"Xu hướng nói trên đã được nhìn thấy trong nhiều chương trình vũ khí khác nhau của Trung Quốc, bao gồm tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-20 và máy bay vận tải hạng nặng Y-20".
"Những điểm tương đồng giữa J-20 và Y-20 với các loại máy bay của Mỹ như F-22 và C-17 đặt ra câu hỏi về mức độ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tận dụng thiết kế nước ngoài", ấn phẩm Army Recognition nhận xét.
Nhưng bất chấp mọi nghi ngờ, Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc từ nước ngoài và khẳng định tổ hợp công nghiệp quốc phòng của họ đủ mạnh để độc lập cung cấp cho quân đội những sản phẩm công nghệ cao do chính nước này sản xuất.
Các chuyên gia quân sự phương Tây không thể bác bỏ những lập luận từ phía Trung Quốc do thiếu bằng chứng, cho nên họ chỉ có thể theo đuổi nghi ngờ Bắc Kinh đang điều chỉnh công nghệ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu chiến lược bản thân.
"Sự kết hợp giữa thích ứng và đổi mới đã cho phép Trung Quốc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ với phương Tây trong những lĩnh vực quan trọng như tàng hình, hệ thống không người lái và khả năng tấn công tầm xa", tờ Army Recognition kết luận.