Quân đội Ukraine tuyên bố đã phát hiện và thu giữ được một tổ hợp radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" được sử dụng cho các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga tại Kherson. Loại khí tài này đã bị quân đội Nga bỏ lại sau khi rút khỏi Kherson.
Những hình ảnh cho thấy radar Podlet-K1 đã bị hư hỏng nghiêm trọng khi được tìm thấy.
Tuy nhiên, nhà chức trách quân đội Ukraine khẳng định những bộ phận thu được vẫn sẽ giúp Kiev giải mã "mắt thần" này của Nga.
Trước đó vào giữa tháng 7 phía Ukraine tuyên bố, đã tiêu diệt một hệ thống radar 48Ya6-K1 Podlet K1 của Nga tại thành phố Kherson, đi kèm với đó là hình ảnh được cho là của tổ hợp này.
Bà Nataliia Humeniuk, người đứng đầu văn phòng báo chí của Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam Ukraine cho biết, Quân đội Ukraine đã thu được nhiều vũ khí của Nga bị bỏ lại sau khi rút lui khỏi thành phố Kherson.
Các vũ khí này bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành, hệ thống radar, xe bọc thép hạng nặng...
Do kích cỡ và trọng lượng lớn, quân đội Nga đã không thể đưa số vũ khí này vượt qua các cầu phao dã chiến bắc ngang sông Dnieper.
Bà Humeniuk tuyên bố số vũ khí trên sẽ nhanh chóng được sửa chữa và đưa vào phục vụ trong biên chế quân đội Ukraine.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin được phía Ukraine đưa ra.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều phương tiện quân sự và khí tài hiện đại của Nga như xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, radar phản pháo Zoopark-1M, tổ hợp UAV Orlan-10 cùng đài chỉ huy và tài liệu hướng dẫn sử dụng, xe chỉ huy hỏa lực 1B14, mìn chống tăng PTKM-1R hay tên lửa phòng không "Ong bắp cày" Osa-AKM bị quân đội Ukraine thu giữ.
Ở phía ngược lại, Nga cũng thu giữ được nhiều khí tài tối tân phương Tây cung cấp cho Ukraine, trong đó có cả lựu pháo hiện đại M777.
Được biết, hệ thống radar thế hệ mới 48Ya6-K1 Podlet K1 đã được triển khai sang chiến trường Ukraine, được coi là "mắt thần" của các hệ thống phòng không của Nga, trong đó có S-400.
Tổ hợp radar này được chế tạo bởi Viện Nghiên cứu kỹ thuật radar toàn Nga (thuộc tập đoàn Almaz-Antey) vào cuối thập niên 2000.
Phiên bản cải tiến bắt đầu được thử nghiệm cấp nhà nước vào năm 2010 và được bàn giao cho quân đội sau đó 5 năm. Những tổ hợp đầu tiên được bàn giao cho Trung đoàn kỹ thuật radar ngoại ô Moscow của Không quân Nga để làm nhiệm vụ cảnh giới bầu trời.
Tổ hợp này gồm 3 cấu phần, được đặt trên khung gầm xe vận tải quân sự KamAZ bánh hơi – trạm ăng-ten, trạm điều khiển và máy phát điện diesel.
Tổ hợp hoạt động tự động trên tần sóng centimet với mỗi vòng quét toàn cảnh được thực hiện trong vòng 5 giây. Tầm hoạt động từ 10-200km. Trần cao phát hiện các mục tiêu – tối đa 10km.
Khu vực phát hiện theo góc phương vị - 360 độ, theo góc tà – từ -2 đến +25 độ. Số lượng các mục tiêu theo dõi đồng thời tới 200.
Sai số xác định toạ độ các mục tiêu tối đa là 200m về cự ly, 1,6 độ theo góc phương vị. Thời gian triển khai – 10 phút, thời gian mở máy trong chế độ chờ - 3 phút.
Hệ thống radar 48Ya6-K1 Podlet K1 bắt được tất cả loại mục tiêu, bao gồm cả máy bay tàng hình, trực thăng, tên lửa hành trình, UAV, tên lửa đạn đạo.