Ukraine tuyên bố dùng tên lửa Neptune bắn hỏng tàu chiến tàng hình Nga

ANTD.VN - Báo chí Ukraine khẳng định tên lửa hành trình chống hạm Neptune đã được sử dụng trong chiến đấu, tuy nhiên chưa rõ hiệu quả mà nó mang lại.

Phía Ukraine cho biết, tên lửa hành trình chống hạm Neptune của nước này đã khai hỏa lần đầu tiên và bắn trúng mục tiêu là một tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 11356 của Hải quân Nga.

Theo dữ liệu trình bày nhưng chưa được xác nhận chính thức, vào hôm 4/4, tổ hợp phòng thủ bờ biển của Ukraine đã phóng tên lửa hành trình chống hạm R-360 vào một mục tiêu trên mặt nước ở khu vực Biển Đen.

Hiện vẫn chưa xác định rõ tên lửa được khai hỏa theo hướng nào, tuy nhiên ngày nay Hải quân Ukraine thực sự có ít nhất một hệ thống R-360 Neptune được trang bị tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 280 km.

Do không có xác nhận chính thức, cũng như bằng chứng hình ảnh về việc Ukraine sử dụng tổ hợp R-360 Neptune gây thiệt hại cho Hải quân Nga, các tuyên bố từ phía Kiev đã làm dấy lên một số nghi ngờ.

Tuy nhiên với thực tế là tên lửa R-360 Neptune của Ukraine được tạo ra trên cơ sở Kh-35 của Liên Xô, tổ hợp này có đủ khả năng giáng đòn chí mạng vào các tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn.

Theo Đại tá quân đội Ukraine đã nghỉ hưu - ông Oleg Zhdanov, R-360 Neptune là loại tên lửa "độc nhất vô nhị" đã được phát triển ở nước này, thậm chí còn khiến cả Mỹ cũng phải bày tỏ sự quan tâm.

"Việc đưa tên lửa hành trình chống hạm Neptune vào biên chế trong Lực lượng Hải quân Ukraine đã khiến Nga bối rối, bởi vì Quân đội Nga không có cách nào để vô hiệu hóa vũ khí trên", ông Zhdanov khẳng định.

"Ngày nay không có phương pháp nào tỏ ra hữu hiệu để chống lại loại tên lửa này. Vì vậy, Quân đội Ukraine đang có trong tay một vũ khí thực sự độc đáo mà Mỹ cũng phải quan tâm".

"Tên lửa bay trên mặt nước ở độ cao 3 - 300 mét, tức là không ai nhìn thấy, nó thực tế im lặng, có tốc độ cận âm. Các cuộc thử nghiệm cho thấy độ chính xác khi ra đòn của tên lửa khá cao, sai lệch chỉ khoảng vài mét", Đại tá Quân đội Ukraine cho biết.

Theo vị cựu chỉ huy nói trên, việc đưa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm Neptune vào tác chiến sẽ cho phép Hải quân Ukraine kiểm soát toàn bộ bờ biển thuộc khu vực Biển Azov và Biển Đen.

Được phát triển trên cơ sở Kh-35 Uran của Liên Xô, tên lửa chống hạm R-360 Neptune của Ukraine có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 280 km, xa hơn đáng kể so với phiên bản gốc.

Những người chỉ trích loại vũ khí này cho rằng tên lửa có tốc độ tương đối thấp (khoảng 1.000 km/h), điều này làm tăng khả năng bị tiêu diệt bởi các hệ thống phòng không của Nga.

Tuy nhiên đánh giá theo các dữ liệu kỹ thuật và chiến thuật được trình bày, tên lửa Neptune có khả năng uốn cong đường bay theo địa hình và trở nên tàng hình, bởi vì chúng có thể bay chỉ vài mét trên mực nước biển.

Tên lửa này đủ khả năng tiêu diệt không chỉ các mục tiêu trên biển mà còn cả các đối tượng trên bộ. Ngoài ra tổ hợp vũ khí nói trên có tính cơ động cao, sẽ khó theo dõi nhanh việc triển khai và phóng đạn của chúng.

Tuy vậy tại Moskva, cũng có ý kiến cho rằng do phát triển từ một thiết kế không quá xa lạ, Nga sẽ tìm ra điểm yếu và dễ dàng bắn hạ tên lửa hành trình chống hạm nói trên của Ukraine.