Ukraine sẽ nhận tên lửa diệt hạm AGM-119 Penguin từ Na Uy?

ANTD.VN - Tên lửa diệt hạm AGM-119 Penguin có thể được Na Uy viện trợ cho Ukraine để tăng cường sức mạnh cho Kiev, trong bối cảnh chiến sự giữa Ukraine và Nga vẫn diễn biến phức tạp. 

Tên lửa diệt hạm AGM-119 Penguin có thể sẽ là loại vũ khí uy lực tiếp theo được Na Uy, thành viên NATO chuyển giao cho Ukraine.

Thông tin Ukraine có thể nhận được tên lửa diệt hạm AGM-119 Penguin từ Na Uy đã được trang Avia dẫn lời nhà báo quân sự Nga Alexander Kots cho biết. Tuy vậy cả Na Uy và Ukraine chưa lên tiếng về sự việc trên.
Penguin là loại tên lửa chống hạm do hãng Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy phát triển vào thập niên 1970. Sau khi nhận thấy ưu điểm của loại vũ khí này, Mỹ đã mua bản quyền và sản xuất với định danh AGM-119 Penguin.
AGM-119 Penguin là loại tên lửa chống hạm đầu tiên của phương Tây được trang bị đầu dò hồng ngoại.
Hiện nay tên lửa đã được nâng cấp đầu dò hồng ngoại, bổ sung chức năng tham chiếu GPS để tăng tính chính xác.
Ngoài ra tên lửa cũng được thay động cơ phản lực thế hệ mới và đặc biệt là một máy tính đủ khả năng thực hiện và xử lý các tín hiệu số.
AGM-119 Penguin được phát triển với hai phiên bản chính là Mk 2 có tầm bắn 34km và Mk 3 có tầm bắn hiệu quả 55km.
Phiên bản AGM-119 Mk2 sử dụng đầu dò xung laser/ hồng ngoại thụ động.
Trong khi phiên bản AGM-119 Mk3 thì sử dụng đầu dò hồng ngoại chủ động/ radar.
AGM-119 Penguin có thể được triển khai trên chiến đấu cơ, trực thăng hải quân, cũng như lặp đặt trên các hệ thống được gắn trên tàu chiến.
Loại tên lửa này là trang bị tiêu chuẩn trên trực thăng chống hạm và chống ngầm MH-60R, mỗi chiếc trực thăng có thể mang theo 2 quả tên lửa AGM-119 được treo hai bên hông máy bay để tấn công tàu chiến.
Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là sử dụng cơ cấu kích nổ hẹn giờ, vì vậy nó có thể xuyên sâu vào bên trong thân tàu mới được kích nổ thay vì chạm nổ như nhiều loại tên lửa chống hạm khác.
Vì vậy, sức công phá của tên lửa diệt hạm AGM-119 Penguin rất lớn dù chỉ được xếp vào dòng tên lửa hạng nhẹ.
Tuy nhiên, ưu điểm lại chính là nhược điểm của dòng tên lửa chống hạm này. Điểm yếu đầu tiên của nó đó là do bay ở độ cao thấp, tên lửa dễ bị nhiễu động bởi yếu tố tự nhiên.
Ngoài ra nếu biển động và sóng cao cũng không thể triển khai tấn công bằng tên lửa AGM-119.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phương thức dẫn đường bằng hồng ngoại nên tên lửa này chỉ có thể phát huy sức mạnh cao nhất của mình trong điều kiện khí hậu và thời tiết thuận lợi như không có mây mù.
AGM-119 Penguin có chiều dài từ 3-3,2 m đường kính 28 cm, sải cánh từ 1-1,4 m trọng lượng từ 370-385 kg tùy theo từng phiên bản.
Tên lửa AGM-119 Penguin được trang bị đầu nổ với khối lượng 120-130kg chứa thuốc nổ cực mạnh để phá hủy cấu trúc mục tiêu khi nó tấn công.

Rất có thể tên lửa AGM-119 Penguin được viện trợ cho Ukraine là biến thể được lắp trên các xuồng cao tốc hoặc chiến hạm cỡ nhỏ.

Bởi đây là giải pháp phù hợp với bối cảnh của Ukraine hiện tại, khi mà các tàu chiến lớn đều bị Nga phá hủy.