Ukraine đối mặt “thảm họa kép” - xung đột vũ trang và dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ukraine đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu “thảm họa kép” bởi sự tàn phá của xung đột vũ trang và đại dịch Covid-19.
Dòng người tị nạn Ukraine đổ sang các nước châu Âu đang khiến dịch Covid-19 thêm phức tạp

Dòng người tị nạn Ukraine đổ sang các nước châu Âu đang khiến dịch Covid-19 thêm phức tạp

Xung đột làm dịch Covid-19 thêm trầm trọng

Mới đây, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19 và họ đang cố gắng làm nhiều hơn nữa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo thống kê, cho đến nay Ukraine đã ghi nhận hơn 4,8 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 105.000 ca tử vong. Các trường hợp mắc mới tăng đáng kể trong tháng 1-2022 và đạt cao điểm vào đầu tháng 2 với hơn 43.000 trường hợp. Xung đột nổ ra khiến tình hình còn phức tạp hơn. Báo cáo tình hình dịch Covid-19, được WHO công bố ngày 13-2, cho thấy từ ngày 3 đến 9-3, đã ghi nhận tổng cộng 791.021 ca mắc mới và 8.012 ca tử vong tại Ukraine và các nước lân cận.

Theo WHO, số ca mắc Covid-19 trong khu vực có giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu tích cực bởi số ca nhiễm có xu hướng giảm là bởi mức độ xét nghiệm đang thấp hơn so với trước vì các bên liên quan phải tập trung nhiều hơn vào tình hình chiến sự.

Hồi đầu tháng 3-2022, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu đã cảnh báo: “WHO quan ngại sâu sắc về tình hình khẩn cấp về nhân đạo tại Ukraine hiện nay. Xung đột xảy ra khiến tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 tại nước này sụt giảm, đồng nghĩa có thể không phát hiện được các chuỗi lây lan. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng thấp cũng là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm”.

Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt đối với người cao tuổi và dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng. Do chiến sự, nhiều người phải chạy khỏi nơi cư trú, bị thiếu ngủ, không được tiếp cận với các loại thuốc thông thường và chế độ dinh dưỡng kém. Tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ do tác động tiêu cực của những điều này lên hệ thống miễn dịch.

Trong khi đó, thiếu thuốc men chữa trị, đặc biệt là oxy dự trữ, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 cũng như bệnh nhân mắc các căn bệnh khác. WHO cảnh báo các bệnh viện Ukraine có thể cạn kiệt nguồn cung cấp oxy trong 24 giờ, khiến hàng nghìn bệnh nhân gặp nguy hiểm. WHO đang phải làm việc với các đối tác để vận chuyển các lô hàng khẩn cấp để trợ giúp Ukraine.

Dòng người tị nạn cũng khiến dịch bệnh phức tạp thêm. Khi mọi người tìm nơi lánh nạn, họ có thể vô tình mang theo các bệnh truyền nhiễm và lây lan cho người khác cũng như dễ bị lây từ người nhiễm bệnh. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO bày tỏ lo ngại: “Thật không may, loại virus này sẽ có cơ hội tiếp tục lây lan. Chúng tôi nhận ra rằng các quốc gia đang ở trong những tình hình dịch bệnh rất khác nhau. Họ đang đối mặt với những thách thức khác nhau. Có rất nhiều người tị nạn di chuyển trong cuộc khủng hoảng này”.

Tính đến nay, đã có hơn 2 triệu người Ukraine phải rời khỏi đất nước đến các khu vực xung quanh. Đáng ngại là những nơi đó cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Dữ liệu từ Our world in data cho thấy, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Ukraine là khoảng 34%, trong khi nước láng giềng Moldova chỉ là khoảng 29%. Tổng giám đốc WHO cảnh báo: “Sự dịch chuyển dân số quy mô lớn sẽ góp phần làm lây lan Covid-19, đồng thời có nguy cơ gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế ở các nước láng giềng”. Còn ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO thì cho rằng, việc di chuyển dân số ồ ạt do xung đột không chỉ khiến Covid-19 lây lan nhanh hơn mà còn có thể tạo ra những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Thế giới nỗ lực trợ giúp Ukraine ngăn dịch bệnh

Lịch sử đã chứng minh xung đột vũ trang có thể tạo điều kiện lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm lây lan. Bởi khi các tổ chức, các Chính phủ mất tập trung, dịch vụ y tế suy yếu, môi trường suy thoái, thì đó là điều kiện hoàn hảo cho sự bùng phát của các căn bệnh truyền nhiễm thảm khốc.

Thực tế này đã từng xảy ra ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trong đợt bùng phát Ebola 2018-2020, đặc biệt là ở phần phía Đông, nơi chìm trong bất ổn và xung đột dân sự. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe bị tàn phá, nhân viên y tế bị ảnh hưởng, nỗ lực tiêm chủng bị gián đoạn và thời gian cách ly cần thiết cho những người bị nhiễm bệnh không đầy đủ đã khiến các đợt bùng phát Ebola tàn khốc và kéo dài tại DRC.

Chính vì thế, các tổ chức quốc tế và các nước đang phải gấp rút tìm cách ngăn chặn dịch Covid-19 có thể bùng phát mạnh ở Ukraine. Phát biểu tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng 3-2022, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh “tính bất khả xâm phạm và trung lập của lĩnh vực y tế, bao gồm đội ngũ nhân viên y tế, các loại hàng hóa cung cấp cho bệnh nhân, giao thông vận tải và các cơ sở, cũng như quyền tiếp cận an toàn đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Trong tuyên bố chung với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), WHO nhấn mạnh các đối tác viện trợ nhân đạo và nhân viên y tế cần duy trì và tăng cường dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có tiêm vaccine ngừa Covid-19 và bệnh bại liệt, đồng thời cung cấp thuốc điều trị cho dân thường trên khắp Ukraine cũng như những người tị nạn sang các nước láng giềng. Tuyên bố cũng cho rằng các dịch vụ y tế cần được bố trí một cách hệ thống tại các cửa khẩu biên giới, bao gồm cả các quy trình chăm sóc và chuyển tuyến nhanh cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Hiện WHO đang tiến hành vận chuyển vật tư y tế thiết yếu từ Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) cho người dân Ukraine. Chuyến hàng đầu tiên bao gồm 36 tấn vật tư đã được chuyển đến Ba Lan vào ngày 3-3. WHO cũng kêu gọi thiết lập một hành lang an toàn để đảm bảo rằng nhân viên nhân đạo và hàng viện trợ có thể đến với những người đang cần sự trợ giúp một cách liên tục và an toàn.

Nhiều nước cũng tìm cách giúp Ukraine đối phó với Covid-19. Hungary đang cung cấp cho những người tị nạn Ukraine vaccine Covid-19 miễn phí. Bộ Y tế Romania thì cử các đoàn y tế đến xét nghiệm và tiêm vaccine Covid-19 cho những người Ukraine sơ tán khỏi đất nước. Tại Moldova, người dân Ukraine cũng được tiêm vaccine Covid-19 miễn phí.