UAV tự sát Lancet tiêu diệt cường kích Su-25 ngay trên đường băng

ANTD.VN - Cường kích Su-25 của không quân Ukraine đã bị phá hủy ngay trên đường băng bởi UAV tự sát Lancet. Được biết sự việc xảy ra tại căn cứ Dolgintsevo, thành phố Krivoy Rog.

Phóng viên chiến trường người Nga, Andrey Rudenko vừa chia sẻ một đoạn video ghi lại khoảnh khắc UAV tự sát Lancet phá hủy cường kích Su-25 của Ukraine đang có mặt tại căn cứ không quân Dolgintsevo, thành phố Krivoy Rog.

Andrey Rudenko nhấn mạnh: "Đây là hình ảnh đáng chú ý vì máy bay chiến đấu Ukraine đã bị phá huỷ bởi UAV tự sát này có khả năng bay tới 120 km".

Đoạn video được ghi lại bởi UAV trinh sát khác cho thấy UAV tự sát Lancet đã lao thằng vào buồng lái của chiếc Su-25, ngay sau đó ngọn lửa bao trùm máy bay. Ukraine chưa lên tiếng về sự kiện này.
Đây không phải là lần đầu Nga thực hiện các cuộc tấn công như vậy. Vào tháng trước, cũng tại sân bay này, một UAV Lancet của Nga đã phá hủy máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine.
Cường kích Su-25 hiện là một trong những máy bay có sức chiến đấu mạnh nhất của không quân Ukraine.
Su-25 là một trong những cường kích đáng sợ nhất thế giới thời điểm chúng ra đời.
Hỏa lực mạnh và có khả năng bay chậm và bay thấp đã biến Su-25 trở thành nỗi ám ảnh trên chiến trường.
Su-25 được phát triển vào cuối thập niên 1960 dưới thời Xô Viết, chúng được ra đời với nhiệm vụ yểm trợ cho lục quân Liên Xô.
Nguyên mẫu T-8 của Su-25 bay chuyến đầu vào tháng 2-1975, nhưng sau đó Liên Xô đã thay đổi một số chi tiết trước khi sản xuất loạt.
Su-25 có chiều dài 15,35 m, cao 5,2m và có sải cánh 14,52 m. Trọng lượng cất cánh tối đa của chiến đấu cơ này lên tới hơn 17 tấn.
Su-25 được trang bị 2 động cơ turbojet, có tốc độ bay tối đa là 950 km/h.
Tầm bay của phi cơ này là 1.000 km. Có thể bay xa 1.850 km nếu có thêm thùng nhiên liệu bên ngoài.
Kho vũ khí của Su-25 khá đa dạng, từ pháo bắn nhanh, rocket đến các loại bom và các loại tên lửa đối đất.
Ngoài ra Su-25 có khả năng mang theo loại tên lửa đối không R-60.
Su-25 có vỏ giáp dày bọc quanh buồng lái (sử dụng những tấm titanium dày 10-24 mm gia cường) nên có khả năng chống được hầu hết các loại pháo phòng không như đạn bắn thẳng cỡ 12,7 mm và đạn phòng không nổ phá mảnh 30 mm.
Hơn 1.000 chiếc máy bay Su-25 đã ra đời, trang bị chủ yếu cho Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây.
Ngoài ra, còn có hàng trăm chiếc khác được chế tạo và xuất khẩu ra nước ngoài.
Dù Ukraine được thừa hưởng số lượng lớn Su-25, nhưng do thiếu ngân sách nên nhiều máy bay trong đó có cả Su-25 đã bị xuống cấp hư hỏng trước thời điểm xung đột với Nga xảy ra.