Trung Quốc hối tiếc khi từ chối mua MiG-31 của Nga

ANTD.VN - Trong quá khứ, Trung Quốc suýt nữa được sở hữu tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound, nhưng họ đã từ chối mua và bây giờ cảm thấy hối tiếc.

Việc từ chối mua tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound của Nga vào những năm 1990 đã tước đi nhiều năng lực công nghệ cao của Không quân Trung Quốc. Quan điểm này đã được các nhà phân tích của ấn phẩm Sohu bày tỏ.

Tờ báo Trung Quốc nhắc nhở, chiến đấu cơ MiG-31 được phát triển trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, vào những năm 1970 trên cơ sở MiG-25 - loại máy bay có tốc độ kỷ lục, nhưng không thể tự hào về hệ thống điện tử hàng không và vũ khí.

Tuy vậy không giống như người tiền nhiệm của nó, tiêm kích MiG-31 nắm giữ trong tay một số lợi thế mà Không quân Liên Xô đặc biệt cần thiết vào thời điểm đó, bài báo nhấn mạnh.

"Phạm vi bay xa, khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 2,8, thiết bị radar độc đáo, kho vũ khí chiến đấu ấn tượng - tất cả những điều này cho phép máy bay chiến đấu MiG-31 thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và đầy thử thách ở Viễn Đông và Bắc Cực", Sohu viết.

MiG-31 là máy bay đánh chặn duy nhất vào thời đó - theo nhiều cách, nó vẫn là duy nhất cho đến ngày nay. Foxhound trở thành tiêm kích đầu tiên trên thế giới được trang bị radar mảng pha thụ động, nó đã giữ được lợi thế này trong gần 20 năm.

Trạm radar Zaslon nói trên cho phép phi công lái chiếc MiG-31 theo dõi nhiều mục tiêu ở khoảng cách rất xa và chỉ huy các máy bay chiến đấu khác, hoặc hệ thống phòng không trên mặt đất tới các mục tiêu của đối phương.

Như vậy, MiG-31 đã trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng không Nga. Ngoài ra theo các nhà phân tích Trung Quốc, chiếc tiêm kích này còn có khả năng thực hiện các cuộc tấn công mặt đất như một phương tiện yểm trợ hỏa lực tin cậy.

Sohu tỏ ý tiếc nuối: “Vào những năm 1990, Moskva đã sẵn sàng xuất khẩu loại máy bay đánh chặn ưu việt và độc nhất của mình cho Trung Quốc".

Tuy nhiên Bắc Kinh đã lựa chọn chiến đấu cơ khác của Nga khi mua một lô lớn Su-27. Theo nhận xét, quyết định này là do thời điểm đó Trung Quốc đang cần hiện đại hóa phi đội tiêm kích đánh chặn J-8II được sản xuất dựa trên thiết kế của MiG-21 Liên Xô.

Các nhà quan sát của Sohu không loại trừ việc Không quân Trung Quốc đang cảm thấy hối tiếc vì đã không mua MiG-31 từ Nga đúng lúc, vì loại máy bay chiến đấu này có nhiều tiềm năng cải tiến và sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội.

Theo ghi nhận từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc, chiếc máy bay này không thể được đánh giá theo những tiêu chuẩn thông thường, vì nó khác với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở hiệu suất vượt trội.

Ví dụ, MiG-31 là máy bay chiến đấu duy nhất trong thế hệ của nó có khả năng đạt ngưỡng độ cao tối đa (25.000 m) và thậm chí vượt xa con số trên. Vận tốc lớn nhất của Foxhound thậm chí còn lên tới được Mach 3,2 nhưng sẽ gây hại đến động cơ và khung thân.

Hiện tại chiếc tiêm kích đánh chặn thời Chiến tranh Lạnh không chỉ tiếp tục phục vụ tích cực trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga mà còn trở thành nền tảng mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, nó thực hiện những vai trò then chốt tại Bắc Cực.

Các nhà phân tích của Sohu kết luận: “Điều này có nghĩa là máy bay MiG-31 công nghệ cao sở hữu nhiều ưu điểm, có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành hàng không Trung Quốc".