"Đã có ít nhất một trường hợp trực thăng tấn công Ka-52 (biệt danh Kashka) bị phá hủy do đạn rocket của hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan, tức là nó bị tiêu diệt bởi 'hỏa lực thân thiện'".
Thông tin trên do phi công quân sự người Nga Oleksiy Voevoda thông báo và nói thêm rằng phi hành đoàn bao gồm 2 phi công trên chiếc trực thăng chiến đấu được đề cập đã thiệt mạng.
Ngoài ra trên kênh Telegram của mình, ông Voevoda còn đăng một bức ảnh cho thấy chiếc Ka-52 né được loạt đạn từ bệ phóng pháo phản lực. Tuy nhiên phi công Nga không tiết lộ thời gian và địa điểm của sự kiện.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan (Tổng cục Pháo binh - Tên lửa Liên Xô - GRAU đặt mã 9P140) chính thức phục vụ trong Quân đội Liên Xô từ năm 1975, nó là bản phát triển xa hơn từ BM-21 Grad nổi tiếng.
BM-27 Uragan được thiết kế để tiêu diệt các cụm trú quân, chốt chỉ huy, kho tàng bến bãi, phương tiện bọc thép, các đơn vị tên lửa phòng không, bãi đáp trực thăng... của đối phương.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt này có kết cấu bao gồm 16 ống phóng rocket cỡ 220 mm lắp đặt trên khung gầm xe tải việt dã được hoán cải từ ZIL-135 8x8.
BM-27 Uragan có thể bắn nhiều loại đạn gồm: đạn huấn luyện, đạn nổ phá mảnh, đạn hóa học, đạn nhiệt áp, đạn chùm với chức năng chống tăng và chống bộ binh.
Tầm bắn tối đa của đạn rocket trang bị cho tổ hợp BM-27 Uragan đạt 35 km, thời gian phóng loạt hết 20 giây, tái nạp mất 15 - 20 phút, vùng sát thương có diện tích lên tới 4,3 hecta.
Thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu của BM-27 Uragan chỉ vào khoảng 3 phút, kết hợp với khung gầm xe việt dã bánh lốp 8x8 mang lại khả năng cơ động rất cao.
Đặc tính này cực kỳ quan trọng, giúp hệ thống vũ khí có thể nhanh chóng rời khỏi trận địa sau khi khai hỏa nhằm tránh các biện pháp trả đũa từ đối phương, nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện đại.
Một vấn đề cần nói tới nữa đó là trực thăng tấn công Ka-52 đã bị bắn hạ bởi nhiều loại vũ khí khác nhau trong cuộc chiến, một số trong đó không được thiết kế để tấn công mục tiêu trên không.
Điển hình như vào năm 2022, Quân đội Ukraine đã tấn công trực thăng chiến đấu Ka-52 một cách rất thành công thông qua tổ hợp tên lửa chống tăng Stugna-P, các binh sĩ thường chọn đúng thời điểm chiếc máy bay treo tại chỗ để dẫn bắn tên lửa và để tiêu diệt nó.
Cũng có những trường hợp trực thăng Ka-52 bị hư hại do "hỏa lực thân thiện" khác được ghi nhận. Vào năm 2022, ngay khi chiến sự bùng nổ, một chiếc Ka-52 đã bị bắn hạ ở vùng Zaporizhzhia, vũ khí chính là hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga.
Theo nhận xét, trực thăng tấn công Ka-52 về cơ bản có màn thể hiện không thực sự thuyết phục trên chiến trường, đây được xem là một trong những lý do quan trọng khiến Trung Quốc không theo đuổi thương vụ mua phương tiện này để trang bị cho tàu đổ bộ Type 075.
Trực thăng Ka-52 bị nhận xét không tin cậy khi hoạt động do cơ cấu rotor đồng trục quá phức tạp, hệ thống điện tử hàng không cũng như vũ khí trang bị cho nó còn có khoảng cách nhất định so với sản phẩm do phương Tây chế tạo.