Triệt thoái khỏi Kherson, Nga mất thế trận cho pháo HIMARS

ANTD.VN -  Khi Nga buộc phải rút quân khỏi Kherson, lúc này họ đã mất đi thế trận quan trọng khi Ukraine có thể triển khai pháo HIMARS ở thành phố để uy hiếp tuyến hậu cần trọng yếu của Moscow từ bán đảo Crimea.

Thành phố Kherson đã bị Nga kiểm soát từ tháng 3/2022, tới tháng 6/2022, một tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên làm rung chuyển ngoại ô thành phố này. Một quả cầu lửa bùng lên rực sáng sau tiếng nổ, phía Nga cho biết đây chỉ là một kho nông nghiệp bị sự cố phát nổ và bốc cháy.

Tuy nhiên theo ông Mykhaylo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine lại cho hay, đây là kho vũ khí của quân đội Nga bị pháo HIMASR Ukraine lần đầu tiên tập kích.

Trước khi sở hữu pháo phản lực HIMARS do Mỹ viện trợ, quân đội Ukraine không có bất cứ loại vũ khí nào có thể vươn tới mục tiêu này.

Những tháng sau đó, pháo phản lực HIMARS tập kích thường xuyên hơn ở Kherson, tận dụng tầm bắn khoảng 80 km để tập kích cầu cống, kho đạn và sở chỉ huy lực lượng Nga, gần như cắt đứt tuyến tiếp tế cho quân đội Nga đồn trú tại thành phố.
Với sức công phá lớn, tầm bắn xa, đặc biệt là khả năng chính xác, pháo phản lực HIMARS đã phá vỡ thế bí của quân đội Ukraine tại mặt trận này.
Ưu thế về pháo binh của Nga biến mất, khi họ phải chuyển các kho đạn ra khỏi Kherson, trong khi các cây cầu huyết mạch tiếp viện cho thành phố đều bị tập kích.
Đến ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và tổng chỉ huy chiến dịch tại Ukraine Sergey Surovikin thừa nhận không thể tiếp tục giữ Kherson và quyết định rút quân vì không thể tiếp tế cho thành phố này.

Quân đội Nga hôm 12/11 cho hay toàn bộ hơn 30.000 quân nhân và khoảng 5.000 khí tài cùng các vật tư khác đã được rút khỏi thành phố Kherson.

Các đơn vị quân đội Ukraine sau đó tiến vào trung tâm Kherson mà không vấp phải hoạt động kháng cự nào.

Giành được Kherson, Ukraine cũng đối mặt với những thách thức mới, đó là phòng tuyến được bố trí chặt chẽ của Nga ở bờ đông sông Dnieper (Dnepr).
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Ukraine không nhất thiết phải hao tổn binh lực để vượt sông, khi họ có thể tiếp tục phát huy ưu thế của pháo phản lực HIMARS.
Khi rút khỏi Kherson, Nga từ bỏ một vùng đệm chiến lược trước đó có thể ngăn cách loạt kho hậu cần ở tuyến sau, cũng như phòng tuyến ở bờ đông sông Dnieper, với hỏa lực từ pháo HIMARS.
Theo bình luận viên Nick Mordowanec của NewsWeek, khi bố trí trận địa ở thành phố Kherson, pháo HIMARS hoàn toàn có thể đe dọa hành lang trên bộ nối biên giới phía tây Nga với bán đảo Crimea, cũng như hàng loạt kho hậu cần và đạn dược của Nga trong khu vực.
"Khu vực thành phố Kherson ở phía tây sông Dnieper có tầm quan trọng chiến lược về mặt quân sự, cho phép chúng tôi triển khai hỏa lực nhằm vào các tuyến đường tiếp vận của Nga từ bán đảo Crimea", Serhiy Kuzan, cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine, nhận xét.
Lợi thế của pháo HIMARS từ Kherson sẽ càng được phát huy khi Lầu Năm Góc gần đây thông báo viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó bổ sung thêm đạn cho tổ hợp pháo phản lực này.
Ông Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách tại Viện CATO ở Mỹ, cho rằng khi tuyến tiếp tế quan trọng từ Crimea bị đe dọa,
Nga sẽ không thể xây dựng hành lang trên bộ an toàn nối bán đảo này với biên giới phía tây, đồng thời giúp Ukraine có thêm lý do thuyết phục các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
Theo ông Pat Ryder, cựu tướng không quân Mỹ, sau khi rút khỏi thành phố Kherson, mục tiêu của Nga là củng cố lực lượng ở bờ đông sông Dnieper, bảo vệ phần còn lại của tỉnh Kherson mà họ đang kiểm soát, hoặc đóng vai trò "chặn hậu" nếu phải rút lực lượng khỏi tỉnh này.
"Dù kế hoạch của Nga là gì, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến quân đội Ukraine gia tăng áp lực lên phòng tuyến đối phương. Ưu tiên của Mỹ là đảm bảo Ukraine có những thứ cần thiết để đạt thành công trên chiến trường", ông Ryder nói.
Chuyên gia Cohen cũng cho rằng quân đội Ukraine sau khi giành lại thành phố Kherson sẽ không thay đổi chiến lược sử dụng pháo HIMARS, loại khí tài đã giúp họ cắt lực lượng Nga ở tiền tuyến với hệ thống hậu cần ở phía sau.
"Tôi cho rằng kế hoạch của Ukraine là giành lại càng nhiều lãnh thổ cũng như đạt được càng nhiều thành công trên chiến trường càng tốt trước khi mùa đông đến", ông Cohen nói.
Rõ ràng pháo phản lực HIMARS đã có màn thể hiện xuất sắc trên chiến trường Ukraine, kể từ khi nhận loại vũ khí này, cục diện chiến trường đã có phần thay đổi có lợi cho phía Kiev.

Đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, lực lượng tăng thiết giáp của Nga bị thiệt hại nặng nề , điều này buộc Moscow thay đổi phương án bằng cách rút thiết giáp từ các nơi khác và tập trung vào chiến trường miền Đông.

Tại khu vực Donbass, với ưu thế pháo binh vượt trội, Nga đã khiến cho Ukraine gặp thiệt hại và phải triệt thoái khỏi nhiều khu vực tại miền Đông nước này.

Có những thời điểm pháo binh Nga khai hỏa với cường độ 60.000 - 80.000 quả đạn mỗi ngày, trong khi pháo binh Ukraine chỉ có thể bắn tối đa bằng 1/10 số đó.
Nhưng cục diện chiến trường đã thay đổi ngay khi Kiev nhận pháo phản lực HIMARS từ Washington, có loại vũ khí này, Ukraine đã làm suy yếu năng lực pháo binh của Nga.
Tấn công vào kho đạn pháo và sở chỉ huy quân Nga là ưu tiên hàng đầu của pháo HIMARS Ukraine, ước tính đã có tới 40% kho đạn pháo cùng hàng chục căn cứ chỉ huy quan trọng của Nga tại Ukraine đã bị phá hủy.
Ngoài kho đạn và sở chỉ huy quân Nga, pháo HIMASR cũng được sử dụng để tập kích những cây cầu trọng yếu ở thành phố Kherson, điều này buộc Moscow phải triệt thoái quân ra khỏi đây.
HIMARS là hệ thống pháo phản lực hạng nặng có thể bắn liên tiếp 6 rocket dẫn đường độ chính xác cao.
Khi sử dụng đạn M31 mang đầu đạn nổ mạnh đa dụng nặng 90 kg, HIMARS có tầm bắn 80 km, xa hơn các loại pháo phản lực của Nga, vì vậy nó tránh được đòn phản pháo của đối phương.

Ngoài ra HIMARS cũng có thể khai hỏa tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên đến 300 km.

Tầm bắn xa của đạn rocket M31 cùng với cơ chế dẫn đường bằng GPS, pháo HIMARS có thể nhắm mục tiêu chính xác hơn rất nhiều so với pháo phản lực của Nga hiện có.