Tranh chấp con trong trường hợp mang thai hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Do vợ tôi không có khả năng sinh nở nên vợ chồng tôi muốn nhờ người (đã có gia đình) mang thai hộ. Sau này, khi đứa trẻ được sinh ra liệu có bị coi là con của vợ chồng người mang thai hộ không? Nếu sau này xảy ra tranh chấp cháu bé thì sẽ giải quyết thế nào? Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh, số 197 phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh, số 197 phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội)

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc bên mang thai hộ tự nguyện, không mang mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việc mang thai hộ sẽ được thực hiện bằng cách lấy noãn và tinh trùng cặp vợ chồng hiếm muộn để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Với nội dung đề cập nêu trên của bạn thì tại Điều 94 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Do đó, đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của người mang thai hộ kia không phải là con chung của vợ chồng họ. Đứa trẻ đó chỉ có thể là con chung của vợ chồng bạn mà thôi.

Đối với việc bạn lo ngại có thể xảy ra tranh chấp con khi mang thai hộ thì sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 99 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật Dân sự”.

Để có thể hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của các bên (mang thai hộ và nhờ mang thai hộ) cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc này, vợ chồng bạn nên đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hoặc đến một trong 3 đơn vị là Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế hoặc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM để nhờ tư vấn.