Tổng thống Serbia từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Serbia, ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga bất chấp áp lực của phương Tây, Tổng thống Serbia cho biết sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20-10.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic vừa có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga sau 2 năm

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic vừa có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga sau 2 năm

Tổng thống Serbia theo chủ nghĩa dân túy Aleksandar Vucic cho biết trên Instagram rằng, ông tin rằng cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông với Tổng thống Nga sau 2 năm sẽ giúp “phát triển hơn nữa mối quan hệ và lòng tin giữa Nga và Serbia”.

Tổng thống Vucic trích lời ông Putin nói rằng “điều gì tốt cho Serbia cũng tốt cho Nga, điều gì tốt cho người Serbia cũng tốt cho người Nga”.

Ông Vucic không nói liệu ông có chấp nhận lời mời tới tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế mới nổi do Nga và Trung Quốc dẫn đầu tại Kazan vào cuối tuần này hay không.

Mặc dù chính thức tìm kiếm tư cách thành viên Liên minh châu Âu EU, đồng minh truyền thống của Nga là Serbia đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Serbia cho rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt không vì lợi ích quốc gia của Serbia.

Ông nói thêm rằng cuộc điện đàm với Tổng thống Putin có thể khiến ông bị phương Tây chỉ trích nhưng “Serbia là một quốc gia có chủ quyền và tự đưa ra quyết định của mình”.

Tổng thống Aleksandar Vucic cũng cảm ơn Nga “vì đã cung cấp đủ lượng khí đốt cho Serbia với giá ưu đãi”. Serbia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng gần đây đã đồng ý bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung cấp của mình.

Người dân Serbia kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng Belgrade

Người dân Serbia kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng Belgrade

Hôm 20-10, Serbia đã kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng Thủ đô Belgrade khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Trong buổi lễ, hàng nghìn người diễu hành qua Belgrade vẫy cờ Nga vì với họ, nếu không có Hồng quân Liên Xô thì “sẽ không có chiến thắng giải phóng Belgrade”.