Serbia bác tin sẽ chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 4-9, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khẳng định, những thông tin cho rằng Serbia đã đồng ý chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine thông qua Pháp là bịa đặt và hoàn toàn dối trá.
Máy bay tiêm kích MiG-29 của Không quân Serbia

Máy bay tiêm kích MiG-29 của Không quân Serbia

Tuyên bố trên được Tổng thống Vucic đưa ra sau khi xuất hiện thông tin rằng thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu Rafale từ Paris vừa được ký kết gần đây liên quan đến việc Belgrade đổi 36 máy bay tiêm kích MiG-29, sau đó sẽ được đưa vào biên chế của Ukraine.

“Chúng tôi có 14 chiếc ‘TwentyNines’ đã được tân trang, nâng cấp và đưa vào hoạt động”, Tổng thống Vucic cho biết hôm 4-9, trong khi đi thị sát công trường xây dựng đường cao tốc ở phía Tây Serbia.

“Để tặng chúng cho ai đó ư? Bất kỳ ai nói vậy đều là kẻ dối trá và hoàn toàn mất trí”, ông nói thêm, “Đó là thông tin bịa đặt”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Bratislav Gasic cũng lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Belgrade sẽ chuyển tiêm kích MiG-29 tới Pháp. “Những chiếc tiêm kích MiG-29 mà Serbia sở hữu là của Serbia và chúng tôi sẽ không bao giờ trao chúng cho bất kỳ ai”, Bộ trưởng Gasic nói.

Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin, người đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4-9 tại Vladivostok, đã gọi thông tin về MiG-29 là “một lời nói dối đen tối” nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Belgrade và Matxcơva.

Tin đồn này xuất hiện lần đầu tiên vào tuần trước sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Belgrade.

Chính phủ Serbia theo đuổi chính sách trung lập về quân sự và chính trị. Nước này tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng đã công khai từ chối yêu cầu của Brussels về việc công nhận tỉnh ly khai Kosovo là 1 quốc gia độc lập. Belgrade cũng đã từ chối trừng phạt Nga, bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và EU. Gần như tất cả các nước láng giềng của Serbia đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).