Toan tính của Nga với động cơ NK-32 mang tới bất ngờ khó chịu cho Mỹ

ANTD.VN - Động cơ NK-32 nâng cấp của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 hoàn toàn có thể lắp trên chiếc oanh tạc cơ tương lai PAK DA.

Nga đã khôi phục thành công các bản vẽ bị mất của động cơ NK-32, và bây giờ người Mỹ đang ở trong một sự ngạc nhiên cực kỳ khó chịu, điều này được trang Sohu của Trung Quốc nhận xét.

Nga đã trở thành nước kế thừa lớn nhất di sản của Liên Xô, bao gồm cả những phát triển quân sự. Tuy nhiên có một sự cố xảy ra: sau khi Liên bang tan rã, bản vẽ của động cơ NK-32 đã bị mất.

Động cơ này có ưu việt là nó kết hợp các nguyên tắc của tên lửa và phản lực để tạo ra lực đẩy, đồng thời đáng tin cậy và khá nhỏ gọn. Nó được sử dụng trên máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa siêu thanh Tu-160, giúp thực hiện các chuyến bay siêu âm ở độ cao thấp.

“Sở dĩ Tu-160 có sức mạnh như vậy là do chiếc máy bay ném bom này được trang bị 4 động cơ NK-32 cung cấp lực đẩy 25 tấn. Tốc độ bay tối đa đạt Mach 2, tầm hoạt động khoảng 16.000 km, bán kính chiến đấu 2.000 - 7.300 km".

"Ngoài ra Tu-160 còn được trang bị trụ giá phóng xoay có thể mang 12 tên lửa hành trình Kh-55, Kh-101 hoặc 176 quả bom thông thường với tải trọng bên trong tối đa khoảng 45 tấn”, tờ báo Trung Quốc nêu các đặc điểm của máy bay Nga.

Sohu chỉ ra sức mạnh của Tu-160 quả thực rất ấn tượng, nhưng khi Nga mất bản thiết kế động cơ NK vào năm 1993, nước này đã phải tạm dừng chương trình sản xuất máy bay ném bom của mình. Tuy nhiên vào năm 2007, sai lầm đã được sửa chữa.

Các chuyên gia Nga đã tạo ra NK-361 - một động cơ cho đầu máy turbine khí GT1, nó sử dụng turbine động cơ NK-32 và bản thân quá trình phát triển đã giúp khôi phục một số công nghệ cần thiết cho việc sản xuất động cơ máy bay độc nhất vô nhị.

Các nhà báo Trung Quốc chắc chắn rằng: “Việc Nga khôi phục bản thiết kế động cơ NK-32 là một tin tốt lành đối với ngành công nghiệp quân sự của đất nước".

Điều này khiến Nga không chỉ có thể tiếp tục sản xuất Tu-160 mà còn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới. Theo nhiều chuyên gia, Nga coi việc thành lập tổ hợp hàng không tầm xa (PAK DA) đầy triển vọng là dự án ưu tiên quốc gia của mình.

Các nhà phân tích từ tờ báo Trung Quốc đưa ra gợi ý đầy táo bạo: “Nga rất có thể sẽ đưa động cơ NK-32 vào oanh tạc cơ chiến lược tương lai PAK DA đang phát triển".

Họ chắc chắn rằng Nga đã muốn có một máy bay ném bom tàng hình trong nhiều năm và việc động cơ NK-32 "đóng thế" trên oanh tạc cơ thế hệ mới sẽ đưa nước này đến gần hơn với giấc mơ này.

“Sau khi Nga khôi phục các bản vẽ kỹ thuật chính, họ đã giải quyết được vấn đề thiếu động cơ phù hợp cho máy bay ném bom”, các nhà phân tích của Sohu bị thuyết phục.

Họ tin rằng việc sử dụng động cơ dựa trên NK-32 sẽ cho phép oanh tạc cơ PAK DA cất cánh trước thời hạn dự kiến ban đầu và cũng sẽ giúp tăng đáng kể sức mạnh của máy bay ném bom Nga.

Đồng thời cần nhắc lại, động cơ NK-32 mới của Nga cũng đã được Mỹ công nhận. Tạp chí Aviation Week & Space Technology đưa NK-32 vào bảng xếp hạng Thành tựu Thế giới năm 2020, hay The Drive cho rằng NK-32-02 của Tu-160M ​​là động cơ mạnh nhất thế giới dành cho chiến đấu cơ.

Do đó việc tạo ra chiếc PAK DA với "trái tim" mạnh như vậy sẽ là một bất ngờ khó chịu đối với Mỹ, các nhà phân tích của Sohu tổng hợp, mặc dù họ cũng thừa nhận máy bay khó che giấu tín hiệu hồng ngoại khi lắp động cơ NK-32-02.