Tổ hợp THAAD sẽ trở thành khắc tinh của tên lửa Oreshnik?

ANTD.VN - Viễn cảnh đối đầu giữa tổ hợp phòng thủ THAAD và tên lửa Oreshnik trên bầu trời Ukraine thu hút rất nhiều sự quan tâm.

Tổ hợp THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa Oreshnik hay không là mối quan tâm lớn của nhiều chuyên gia quân sự vào lúc này, nhưng nhiệm vụ trên không hề dễ dàng.

Theo những gì được báo chí Nga đăng tải, trên đoạn hành trình có quỹ đạo phẳng, tên lửa Oreshnik sẽ ở độ cao 85 - 110 km và nó có thể bị phát hiện bởi radar đa năng AN/TPY-2 TMD-GBR của tổ hợp THAAD.

Đài radar này phát hiện mục tiêu cách xa 700 - 1.300 km và truyền dữ liệu để dẫn đường cho các tên lửa đánh chặn ngoài khí quyển, tuy nhiên việc đánh chặn tên lửa Oreshnik sẽ gặp phải một số khó khăn đặc biệt.

Cụ thể là ở giai đoạn phân tách đầu đạn, tên lửa Nga sẽ tung ra mồi nhử hồng ngoại và màn chắn plasma, khiến đầu tự dẫn hồng ngoại trên đạn đánh chặn của tổ hợp THAAD khó lòng khóa mục tiêu.

Bên cạnh đó, khi đầu đạn hạ xuống dưới 70 - 80 km, tên lửa đánh chặn sẽ mất hiệu quả do lực cản khí động học tăng lên, khiến việc tiêu diệt mục tiêu ngoài khí quyển gần như không thể thực hiện được.

Trong không gian hạn chế của chiến trường Ukraine, THAAD đang bị yếu thế.

Thời gian xuất hiện của tên lửa Oreshnik trong tầm bắn của tổ hợp THAAD là cực ngắn, đặc biệt khi ở giai đoạn cuối của quỹ đạo nó đã chuyển sang dẫn đường riêng cho từng đầu đạn, với thực tế trên, hiệu quả của tổ hợp THAAD gần như bằng không.

Trong trường hợp tên lửa Oreshnik được sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm tại châu Âu, thời gian tên lửa nằm trong tầm theo dõi của THAAD sẽ tăng lên, từ đó gia tăng cơ hội đánh chặn thành công.

Nhưng ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, xác suất đánh chặn thành công vẫn chỉ ở mức 7 - 15% do những hạn chế của bản thân hệ thống THAAD, khi vũ khí này vốn được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu đơn giản hơn nhiều.

Cần lưu ý là hiện tại Mỹ không có kế hoạch cung cấp hệ thống THAAD cho Ukraine, bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực và chính quyền Kyiv khẩn thiết yêu cầu tổ hợp này.

Diễn biến trên loại trừ khả năng xảy ra "cuộc đối đầu công nghệ cao" giữa tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik và tổ hợp phòng thủ THAAD, khiến chúng ta chỉ có thể bàn ở tình huống giả định.

Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi nếu xung đột giữa Nga và NATO tiếp tục leo thang, khi đó các khẩu đội THAAD được triển khai ở châu Âu và "cuộc đấu súng" đặc biệt hoàn toàn có thể xảy ra.

Viễn cảnh trên tạo ra nhiều rủi ro cho an ninh toàn cầu, là điều mà các bên đang ở thế đối đầu với nhau sẽ phải tìm mọi cách để tránh.

Cần nói thêm Oreshnik là tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung của Nga, được sử dụng lần đầu tiên vào ngày 21/11/2024 khi tấn công nhà máy công nghiệp quốc phòng Yumazh ở Dnieper.

Tên lửa có tầm bắn lên tới 5.500 km, mang theo nhiều đầu đạn và đạt tốc độ Mach 10, khiến việc đánh chặn mục tiêu trên gần như là bất khả thi đối với mọi hệ thống phòng thủ hiện đại.

Tổng thống Vladimir Putin lưu ý rằng tên lửa Oreshnik được tạo ra trên cơ sở công nghệ hoàn toàn của Nga và đã được đưa vào sản xuất hàng loạt, tuy vậy tuyên bố trên bị nghi ngờ rất nhiều.