Tìm lại chân dung các anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ban Tổ chức Trái tim người lính đã khởi xướng dự án mang nhiều ý nghĩa. Đó là dùng trí tuệ nhân tạo (AI) cùng kỹ thuật của các nhà thiết kế phục dựng các bức ảnh liệt sĩ đã hư hại theo năm tháng.

Dự án giàu ý nghĩa

Việt Nam có hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Hầu hết họ hy sinh khi còn rất trẻ và do điều kiện thời chiến nên chỉ để lại vài bức ảnh đen trắng cũ, hỏng, thậm chí có người còn không có di ảnh. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nguyện vọng có được một bức ảnh chân dung rõ nét các liệt sĩ hoàn toàn không hề dễ dàng với nhiều gia đình. Nhằm góp phần tri ân những văn nghệ sĩ, trí thức, liệt sĩ đã hy sinh hoặc có công trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bằng sự đam mê và rất nhiều công sức, nhóm các nhà thiết kế của Ban Tổ chức Trái tim người lính đã kỳ công phục dựng ảnh màu cho các trường hợp này. Chương trình có sự tham gia của các nhà thiết kế trẻ đến từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM… Đặc biệt, trong đó có không ít các các nhà thiết kế là người khuyết tật.

Thân nhân gia đình các liệt sĩ nhận ảnh chân dung phục dựng từ chương trình vào tháng 4-2024

Thân nhân gia đình các liệt sĩ nhận ảnh chân dung phục dựng từ chương trình vào tháng 4-2024

Bắt đầu từ những ngày dịch Covid-19 hoành hành, Ban Tổ chức Trái tim người lính đã gửi những bức ảnh đen trắng của các liệt sĩ để những nhà thiết kế là người khuyết tật phục dựng lại. Nhờ sự trí tuệ nhân tạo cùng sự khéo léo của người thiết kế, các bức ảnh có tuổi đời lên tới vài chục năm đã được xử lý từ đen trắng sang ảnh màu. Hơn thế, gương mặt các liệt sĩ dù đã mờ đi theo năm tháng nhưng được tái hiện rất chân thực. Từng chi tiết trên gương mặt như đôi mắt, mái tóc, nụ cười được phục dựng như nguyên mẫu, mang đúng thần thái của các liệt sĩ ở độ tuổi đôi mươi. Từ dự án này, hàng trăm chân dung di ảnh thờ đen trắng của các văn nghệ sĩ, tri thức đã hy sinh hoặc người có công trong kháng chiến đã được phục dựng thành công. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi như Hoàng Ngân, Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Đình Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Ngọc Vân...

Nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hy sinh năm 1969 khi đang ở tuổi 28 thanh xuân phơi phới, để lại nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, những bức ảnh về chị đa phần đều là ảnh tư liệu đen trắng đã cũ mờ theo thời gian. Bằng rất nhiều công sức, các nhà thiết kế đã phục dựng lại ảnh chân dung chị vô cùng chân thực, sống động. Hay bức ảnh phục dựng từ ảnh đen trắng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi (lúc trẻ). Sau khi phục dựng, nhiều người ngạc nhiên về độ chân thực bởi ảnh đã tái hiện đúng chân dung tác giả bài thơ “Đất nước” đầy hào hoa. Các hoạt động phục dựng ảnh liệt sĩ đều diễn ra âm thầm và chỉ đến khi con gái một liệt sĩ thời kỳ chống Pháp tìm đến Ban Tổ chức Trái tim người lính nhờ phục dựng chân dung cha mình. Đó là một bức ảnh được chụp lại từ bản vẽ truyền thần có chất lượng rất thấp, từ đó dự án mới được nhiều người biết tới. Nhóm kỹ thuật đã dựa vào bức ảnh truyền thần cũng như chân dung con gái liệt sĩ để phục dựng ảnh gốc dựa trên sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Mở rộng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Bức ảnh sau khi được hoàn thành đã nhận được sự cảm kích rất lớn từ gia đình liệt sĩ và đó cũng là cảm hứng để Ban Tổ chức Trái tim người lính quyết định công khai dự án. Kể từ tháng 3-2024, một số bức chân dung phục dựng đã được giới thiệu trên diễn đàn “Trái tim người lính” của mạng xã hội Facebook và Tạp chí điện tử Văn hóa và phát triển, qua đó nhận được phản hồi tích cực của dư luận.

Ngày 22-4 vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu và trưng bày hơn 30 di ảnh liệt sĩ (cỡ 60cm x 80cm) được phục dựng màu. Kể từ đó, dự án đã lan truyền tới nhiều người và tới nay, sau gần 2 tháng, nhiều thân nhân liệt sĩ đã tiếp tục gửi ảnh tới nhờ phục dựng chân dung. Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng - Chủ tịch Ban Tổ chức Trái tim người lính cho biết, các bức ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ đều được thực hiện miễn phí bởi đó là sự tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. “Chương trình hoàn toàn sử dụng kinh phí xã hội hóa. Các họa sĩ trẻ, nhà thiết kế, các sinh viên tham gia chương trình hầu hết đều làm việc này ngoài giờ làm việc nhờ sự đam mê. Bởi thế, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội. Nếu có điều kiện, mọi người có thể hỗ trợ các bạn trẻ tùy theo khả năng, đặc biệt là việc cung cấp tư liệu di ảnh đen trắng và tóm tắt công lao, sự nghiệp của người đã mất. Các họa sĩ và bạn đọc có khả năng phục dựng màu cho di ảnh đen trắng muốn cộng tác với chương trình có thể liên hệ với Ban Tổ chức Trái tim người lính” - nhà thơ Đặng Vương Hưng nói.

Cho tới nay, dự án vẫn đang được triển khai trên toàn quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài dù chưa có nguồn hỗ trợ cố định. Dự kiến, các di ảnh được phục dựng màu sẽ được công khai giới thiệu trong các sự kiện văn hóa do Ban Tổ chức Trái tim người lính phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tại nhiều vùng miền trên cả nước. Tháng 7-2024, Ban Tổ chức Trái tim người lính sẽ ra mắt ảnh phục dựng chân dung 10 nữ dân quân Lam Hạ (Duy Tiên, Hà Nam) đã anh dũng hy sinh khi tham gia đánh trả các cuộc tấn công của Không quân Mỹ (trong các năm 1966 - 1967). Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết thêm, trong số chân dung 10 cô gái Lam Hạ sẽ có 1 bức chân dung được phục dựng từ tượng đặt tại Di tích lịch sử quốc gia, đền thờ 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ. Để có được bức ảnh chân thật nhất, ê-kíp đã mất rất nhiều công sức và dựa vào lời miêu tả của thân nhân liệt sĩ trong công tác phục dựng.

Nhà văn Kiều Thị Phượng: Bức ảnh phục dựng giống hệt cha tôi

Cha tôi là liệt sĩ Phạm Văn Bái (tức Ngọc Long, 1920 - 1951) - Đại đội trưởng Đại đội 363, Trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312, đã hy sinh trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1955 gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử kèm theo Bằng Tổ quốc ghi công. Trước khi mất, trên đường hành quân, cha tôi đã chụp một bức ảnh làm kỷ niệm. Bức ảnh ấy có kích thước nhỏ, sau đó được truyền thần lại và gia đình vẫn dùng làm ảnh thờ suốt mấy chục năm qua. Theo thời gian, bức ảnh đã bị hư hại, xuống cấp, hình ảnh cha tôi đã ố mờ. Biết Ban Tổ chức Trái tim người lính kết nối với một nhóm các bạn trẻ giỏi công nghệ để tái hiện lại chân dung các liệt sĩ, tôi đã gửi bức ảnh của cha tới với hy vọng các bạn trẻ sẽ giúp phục dựng lại chân dung ông.

Ảnh Liệt sĩ Phạm Văn Bái được phục dựng tháng 4-2024

Ảnh Liệt sĩ Phạm Văn Bái được phục dựng tháng 4-2024

Khi đó, mọi người đã nhận lời nhưng không nói bao giờ bức ảnh sẽ phục chế xong. Vì thế, trong buổi ra mắt chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh, tôi đã rất bất ngờ khi bức ảnh của cha tôi được phóng to và chuyển sang ảnh màu, trưng bày tại buổi lễ. Bức ảnh giống hệt cha tôi khi còn trẻ. Sau 70 năm, hình ảnh về cha tôi đã hiện lên rõ ràng, không còn mờ mờ ảo ảo như phủ một lớp bụi mờ ở ảnh cũ. Tôi rất cảm động và biết ơn tấm lòng của các bạn trẻ đã tận tâm với công việc, giúp con cháu tôi sau này được thấy hình ảnh của ông cha mình trước đây. Cảm ơn dự án đầy ý nghĩa mà Ban Tổ chức Trái tim người lính đã và đang thực hiện.

Nhà thiết kế Nguyễn Quang Huy: Tri ân công lao các thế hệ cha ông

AI (trí tuệ nhân tạo) là công cụ hỗ trợ cho việc phục chế ảnh. Dựa trên dữ liệu về nhân trắc học, cấu trúc khuôn mặt, cơ xương của người Việt, AI sẽ thực hiện việc phục dựng ảnh tương đối dễ dàng. Thậm chí, có những liệt sĩ không có ảnh chân dung, chỉ cần qua mô tả của người thân và họa sĩ vẽ lại, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra một bức ảnh giống đến 90% gương mặt của liệt sĩ, từ ánh mắt cho tới nụ cười. Với những bức ảnh có độ khó như bị bong tróc, nấm mốc làm mất chi tiết trên ảnh, AI sẽ không thể tự động phục dựng ảnh mà cần tới bàn tay thiết kế của người làm. Do vậy, người phục chế ảnh cần có nền tảng kiến thức về đồ họa và mỹ thuật, để can thiệp vào quá trình sửa ảnh, tạo ra một bức ảnh không chỉ giống nhân vật mà còn có thần thái.

Bên cạnh ưu điểm của công nghệ, AI đòi hỏi có cơ sở dữ liệu càng đa dạng, càng phong phú càng tốt. Đồng thời có hệ thống quản trị tốt để thu thập ảnh, xử lý dữ liệu, phân tầng mức độ khó của ảnh… Việc này đòi hỏi có nguồn kinh phí đủ mạnh để xây dựng. Thật may, hiện nay nhóm phục dựng của chúng tôi gồm các nhà thiết kế trẻ đã nhận được sự giúp đỡ của Công ty FPT để làm server. Bù lại, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phục dựng ảnh tới các thầy cô giáo. Từ thầy cô giáo, chúng tôi sẽ tạo nên một đội ngũ những người thiết kế có trình độ và tay nghề chỉnh sửa ảnh. Chúng tôi đã có sự hợp tác cùng Ban Tổ chức Trái tim người lính từ cuối năm 2023 và đã tiến hành phục dựng thành công chân dung các liệt sĩ văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng của Việt Nam. Sau sự ra mắt của dự án, ý nghĩa tốt đẹp của chương trình đã lan tỏa tới nhiều người.

Việc phục dựng ảnh liệt sĩ đang được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Các nhà thiết kế hiện nay không chỉ làm một việc phục dựng ảnh mà còn làm nhiều nghề khác nhau như kiến trúc, thiết kế, đồ họa, nội thất… Chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nhỏ giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, sau nhiều năm sẽ có được bức ảnh chân dung cha ông đã tham gia đấu tranh vì độc lập, tự do, chủ quyền của Tổ quốc. Đây cũng là tình cảm của thế hệ hôm nay trước sự hy sinh của các thế hệ đi trước.

Hương Thủy (Ghi)