Đập tan những luận điệu xuyên tạc về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Nga. Thế nhưng, các đối tượng thù địch, các phần tử phản động lưu vong ở nước ngoài lại tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc chuyến thăm và đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Mối quan hệ vượt qua thử thách của thời gian

Trên các trang mạng xã hội phản động, các đối tượng thù địch, phản động tăng cường phát tán nhiều bài viết có nội dung sai trái, xuyên tạc, hướng lái nội dung, ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Putin. Chúng quy chụp rằng Việt Nam đang bắt tay với “tội phạm chiến tranh”, “tội phạm truy nã quốc tế”. Chúng xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Nga cũng như quan hệ của Việt Nam với nhiều nước khác, cho rằng “lãnh đạo Việt Nam đang mắc sai lầm nghiêm trọng” vì “đu dây”…

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến trao các văn kiện đã ký kết giữa hai nước

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến trao các văn kiện đã ký kết giữa hai nước

Những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, đối lập với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Nga ngày nay được xây dựng trên nền tảng của tình hữu nghị truyền thống trong hơn 7 thập kỷ qua. Lịch sử cho thấy, mối quan hệ giữa hai nước luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của thời đại. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30-1-1950, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.

Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu của Liên Xô trong nhiều thập niên là nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, quan hệ Việt Nam - Nga tiếp tục được lãnh đạo và nhân dân hai nước tích cực vun đắp. Ngày 16-6-1994, hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga. Đây là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa lớn lao, là biểu tượng khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nga, tạo ra tiền đề cho việc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2012.

Nhìn lại lịch sử, có thể nói quan hệ song phương Việt Nam - Nga đã đứng vững trước các biến động, góp phần củng cố hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Nga tiếp tục phát triển tích cực phù hợp với lợi ích hai quốc gia, là tài sản vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Sang năm 2025, hai nước lại chào đón sự kiện 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu chặng đường dài cùng nhau vượt qua thử thách và khó khăn, hợp tác để phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Putin là sự kiện quan trọng, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đồng thời tạo tiền đề làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Nga.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một trong những biểu tượng của hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga

Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một trong những biểu tượng của hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga

Kiên quyết loại bỏ những luận điệu sai trái

Việc các đối tượng thù địch, phản động bôi nhọ, xuyên tạc chuyến thăm của Tổng thống Putin và đường lối đối ngoại của Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục có nhiều hoạt động ngoại giao với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng. Mỗi sự kiện lớn như vậy là một lần chúng ta phải chứng kiến những hoạt động chống phá.

Khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, các đối tượng thù địch, phản động lập tức dựng lên rằng Mỹ đã xây dựng được “một căn cứ tiền tiêu quan trọng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc”. Khi lãnh đạo Việt Nam dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, thì chúng cho rằng Việt Nam “tiếp tay” cho Trung Quốc, rằng đang chịu sự “chi phối” của Trung Quốc. Chúng phản đối việc Việt Nam mời Tổng thống Putin đến thăm. Chúng cho rằng lập trường của Việt Nam “không kiên định”, lúc đi theo nước này, lúc ngả theo nước kia…

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Việt Nam dứt khoát không “chọn bên”; không chịu “chi phối” bởi bất cứ quốc gia nào; không liên minh, liên kết hay “tiếp tay” cho nước này để chống nước kia; không bị “lôi kéo” theo nước này để chống nước khác. Việt Nam luôn xác định bảo vệ độc lập chủ quyền và xây dựng, phát triển đất nước là do mình, trên cơ sở tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước, chứ không thể trông chờ vào bất cứ nước nào.

Thực tế cho thấy trong bối cảnh sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay đang diễn ra phức tạp, gay gắt trên nhiều lĩnh vực, quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam rất rõ ràng, kiên định. Việt Nam luôn kiên trì phương châm là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập, tự chủ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Các sự kiện đối ngoại lớn kể trên là những hoạt động bình thường nhằm tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích chung với các nước, duy trì hòa bình, ổn định. Với đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao Nhà nước với 193 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có 5 nước đối tác chiến lược toàn diện và 12 nước đối tác toàn diện; có quan hệ với hơn 220 thị trường nước ngoài. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế… Những thành quả của công tác đối ngoại đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước.

Dù những kẻ cơ hội chính trị cùng thế lực thù địch có xuyên tạc thế nào, thì việc một đất nước nhỏ bé, đứng chân ở một vị trí chiến lược của cả một khu vực rộng lớn, nhiều lần bị ngoại bang xâm chiếm mà vẫn giữ được độc lập, tự cường cho dân tộc, giữ được tự do, hạnh phúc cho nhân dân, được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ, tin yêu là sự thật không thể phủ nhận. Nếu ai đó nói rằng Việt Nam “tiếp tay” hay bị “lôi kéo”; chịu “chi phối”… bởi nước này nước kia thì đó là hành động cố tình suy diễn, xuyên tạc, bịa đặt nhằm mưu đồ xấu, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động làm cho tình hình thêm phức tạp, gây hoài nghi, bất ổn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam luôn đề cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu và kiên quyết đấu tranh phản bác, loại bỏ những luận điệu sai trái ấy ra khỏi đời sống trong nước và quan hệ hợp tác quốc tế.

Tin cùng chuyên mục