Tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ thua kém cả Su-35 Nga?

ANTD.VN - Báo chí Nga cho rằng, tiêm kích thế hệ 6 của Mỹ vừa bay thử gần đây tồn tại đầy nhược điểm và thậm chí không thể sánh bằng chiếc Su-35 thuộc thế hệ 4,5.

Tiêm kích thế hệ 6 được Mỹ kỳ vọng sẽ giúp họ tiếp tục thống trị bầu trời sau thành công của chiếc F-22 và F-35, nhưng phía Nga lại không đánh giá cao chiếc chiến đấu cơ này.

Cần nhắc lại, Tiến sĩ Will Roper - Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần gần đây đã cho biết, máy bay thử nghiệm thuộc dự án Tiêm kích làm chủ bầu trời thế hệ mới (NGAD) đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên.

“Chúng tôi đã xây dựng và triển khai một chuyến bay trình diễn quy mô đầy đủ trong thực tế và đã phá vỡ mọi kỷ lục từng được thiết lập trong lĩnh vực hàng không quân sự”.

“Chúng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu chế tạo các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với tính năng chưa từng có”, ông Will Roper khẳng định một cách vô cùng tự tin.

Như vậy có thể thấy rằng NGAD (hay còn được gọi bằng cái tên FA-XX) sẽ là chiếc tiêm kích thế hệ thứ 6 dẫn đầu thế giới, với khả năng tàng hình cực cao nhờ thiết kế hình dáng khí động học đặc biệt.

Máy bay sẽ có vận tốc siêu thanh, được tích hợp vũ khí laser, mang theo hệ thống cảm biến vô cùng tinh vi và nhất là trang bị trí thông minh nhân tạo cho phép hoạt động không cần phi công.

Tuy nhiên theo bình luận từ báo chí Nga thì bất chấp cái tên “gây ồn ào” của dự án đó là "Sự thống trị trên không của thế hệ chiến đấu cơ tiếp theo" và thậm chí là cuộc thử nghiệm tiêm kích mới đã diễn ra, NGAD không hề đáng sợ.

Thậm chí có nhận định cho rằng hóa ra chiếc máy bay này đơn giản là không sẵn sàng chiến đấu ngay cả với Su-35 của Nga, cụ thể sai sót nằm ở khả năng cơ động do lỗi tính toán sai khi tạo bản thiết kế.

Các chuyên gia quân sự Nga chú ý đến thực tế là phần đuôi của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu không có, điều này bị đánh giá sẽ làm giảm đáng kể khả năng cơ động của chiếc tiêm kích nói trên.

“Vấn đề liên quan đến khả năng cơ động của các máy bay chiến đấu sẽ được biên chế trong Không quân Mỹ nằm ở chỗ thiếu vắng động cơ hiện đại có kiểm soát vector lực đẩy”.

“Nếu không có cánh đuôi, tiêm kích tương lai của Mỹ hoàn toàn vô dụng, vì trong trường hợp cận chiến, nó không thể né tránh cuộc tấn công của đối phương”, trang Bình luận quân sự của Nga lưu ý.

Theo thông báo, nguyên mẫu chi tiết máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Mỹ có thể ra mắt sớm nhất là vào năm sau, hiện tại chưa rõ chính xác độ cơ động của chiếc tiêm kích này ra sao, cho nên chưa có cơ sở để khẳng định nhận xét của báo chí Nga về nó là đúng hay sai.

Hơn nữa phải nhấn mạnh rằng những cuộc không chiến tương lai được dự báo chủ yếu sẽ diễn ra ở tầm xa, phụ thuộc phần lớn vào khả năng tàng hình và vũ khí mà chiếc tiêm kích mang theo.

Rõ ràng trong cả hai yếu tố nói trên, Mỹ hiện nay đều đang dẫn trước Nga một khoảng cách rất lớn nên những lời nhận xét của báo chí Nga vì vậy tỏ ra tương đối thiếu thuyết phục.