Tiêm kích thế hệ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ tạo cơn sốt khi chính thức ra mắt

ANTD.VN - Hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại cơ sở sản xuất để chứng kiến chiếc tiêm kích thế hệ 5 của nước này, khi nó chính thức ra mắt với tên gọi KAAN.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TUKAS) cho biết, tiêm kích thế hệ 5 KAAN (tên cũ TF-X) là niềm tự hào mới nhất của nền công nghiệp quốc phòng nước này.

Trong cuộc triển lãm, các vị khách cũng được giới thiệu trực thăng huấn luyện và tấn công hạng nhẹ Hurjet, máy bay không người lái Anka-3, trực thăng vũ trang Atak-II và tiêm kích F-16 Ozgur nâng cấp.

Trước đó vào ngày 17 tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên đưa máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ nội địa của nước này ra khỏi nhà chứa máy bay. Sau đó trên đường băng, chiếc phi cơ đã thực hiện các bài kiểm tra lăn bánh đầu tiên.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, tiêm kích thế hệ 5 KAAN dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào cuối năm 2023, tiến độ này gây ngạc nhiên cho giới phân tích.

Đây là một bước tiến khá lớn đối với ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là tin tốt cho ngành công nghiệp quốc phòng địa phương, bởi vì ban đầu Ankara dự định thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong năm 2026.

Tiêm kích KAAN sẽ có ba nguyên mẫu - Block 0, Block 1 và Block 2. Chúng sẽ được phát triển dần dần trong nhiều năm và mỗi phiên bản mới sẽ được tăng cường mức độ kiểm tra.

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đưa lô 10 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình KAAN thế hệ thứ năm đầu tiên vào thành phần tác chiến của lực lượng không quân ngay trong năm 2029.

Bên cạnh đó, theo các các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, tiêm kích KAAN sẽ trở thành một nền tảng tác chiến trên không có khả năng kết hợp với các phương tiện bay không người lái.

Trong 10 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới về thiết kế và sản xuất máy bay không người lái chiến đấu với nhiều chức năng khác nhau - từ trinh sát đến tấn công và thậm chí cả UAV tàng hình.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ viết: "KAAN với vũ khí thế hệ mới sẽ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở tốc độ siêu thanh. Nó sẽ được tăng cường sức mạnh với trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ mạng lưới thần kinh”.

Hiện có 4 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đang hoạt động trên thế giới. Đầu tiên, F-22 và F-35 của Mỹ dẫn đầu danh sách được sản xuất nhiều nhất, đồng thời cũng đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Theo sau chúng là máy bay chiến đấu J-20 mà theo các nguồn tin Trung Quốc đã đạt tới số lượng 200 chiếc được sản xuất. Ở vị trí cuối cùng là Su-57 của Nga, trong hai năm tới Moskva sẽ hình thành một phi đội gồm 44 chiếc.

Hàn Quốc cũng tham gia nhóm ưu tú này, tiêm kích KF-21 Boramae của họ đang trải qua các bài thử nghiệm bay rộng rãi để kiểm tra không chỉ những đặc tính cơ bản mà còn cả hệ thống điện tử hàng không.

Dự kiến ​​trong những năm tới, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, Hàn Quốc và Indonesia (những bên tham gia chương trình Boramae) sẽ trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa.

Người Mỹ có công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực này, mặc dù Trung Quốc đang bắt kịp nhanh chóng. Khả năng của tiêm kích KAAN do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo sẽ như thế nào, nó sẽ sử dụng hệ thống điện tử hàng không và vũ khí gì thì vẫn còn phải xem trong tương lai.