Tiêm kích tàng hình F-35 sẽ 'bức tử' chương trình tàu sân bay Hàn Quốc?

ANTD.VN - Đang xuất hiện ý kiến lo ngại rằng, việc mua sắm thêm nhiều tiêm kích tàng hình F-35 sẽ khiến Hàn Quốc "mất" đi tàu sân bay hạng nhẹ tương lai.

Hàn Quốc đã trở thành nhà khai thác tiêm kích tàng hình F-35 lớn nhất sau Mỹ, loại máy bay này được kỳ vọng sẽ giúp cho Không quân Hàn Quốc (ROKAF) duy trì sự ổn định trong khu vực.

Chính quyền Seoul đã chọn F-35 Lightning II cho chương trình máy bay chiến đấu tương lai FX III của mình vào năm 2014 và đặt mua 40 chiếc F-35A phiên bản cất hạ cánh thông thường (CTOL), với đợt giao hàng đầu tiên bắt đầu từ năm 2018.

Những chiếc tiêm kích thế hệ thứ năm F-35A nói trên hiện đang hoạt động trong phi đội tiêm kích số 17 của ROKAF, triển khai thường trực tại căn cứ không quân Cheongju.

Nhìn thấy khả năng của F-35, tháng trước, ủy ban mua sắm quốc phòng nhà nước của Hàn Quốc đã thông qua việc mua thêm 20 chiếc F-35A, trong khi Seoul cũng đã xem xét kế hoạch đặt mua một phi đội F-35B có khả năng hoạt động từ tàu tấn công đổ bộ của nước này.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là việc mua F-35A Block 4 Lightning II thế hệ mới tác động như thế nào đến chương trình hàng không mẫu hạm tương lai của Hàn Quốc.

Có suy đoán việc mua thêm F-35A sẽ ảnh hưởng tới việc phân bổ kinh phí cho Hải quân Hàn Quốc (RoKN) để chế tạo một tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn với tên gọi CVX - cùng với có kế hoạch mua phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) F-35B.

Vấn đề phát sinh có thể nằm trong sự thay đổi rộng rãi hơn đối với thế trận phòng thủ của Hàn Quốc, cũng như các yếu tố mà nước này coi là những mối đe dọa nghiêm trọng và cần phải ưu tiên.

F-35A rất phù hợp với cả hoạt động tấn công phủ đầu lẫn phản công.

Ngược lại, tàu sân bay hạng nhẹ sẽ được sử dụng trong hoạt động chống lại các mối đe dọa ở xa hơn. Mặc dù một số quan chức tại Seoul muốn có cả hai khả năng, nhưng điều này bị xem là bất khả thi.

Thay đổi ưu tiên trong thứ tự khí tài có liên quan đến kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 3, Tổng thống Yoon Suk-yeol từ Đảng Quyền lực Nhân dân, đã thay thế ông Moon Jae-in, từ Đảng Dân chủ Hàn Quốc.

Ông Moon trong nhiệm kỳ của mình đã tích cực tìm cách mở rộng trọng tâm hiện đại hóa quốc phòng của Hàn Quốc. Ngoài nguy cơ từ Bình Nhưỡng, Seoul muốn có một tàu sân bay để đối đầu với sức mạnh hải quân to lớn của Nhật Bản và Trung Quốc.

Tokyo đã tiến hành kế hoạch hoán cải hai tàu sân bay trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay hạng nhẹ có thể triển khai hoạt động tiêm kích F-35B. Trong khi đó Trung Quốc cũng đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba của mình với lượng giãn nước 80 nghìn tấn.

Song Tổng thống Yoon có những ưu tiên khác và chính phủ của ông coi kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa cấp thiết hơn. Trong trường hợp đó, F-35A tỏ ra phù hợp nhất để giải quyết nguy cơ.

Hàn Quốc có một lực lượng không quân khổng lồ với gần 900 máy bay trong các phi đội của họ - nhưng nhiều chiếc ra đời từ những năm 1970 và 1980, chiếm số lượng lớn là tiêm kích F-4 Phantom và F-5 Tiger cũ kỹ.

Cuối cùng, CVX - tàu sân bay hạng nhẹ 30.000 tấn được lên kế hoạch là một dự án mang tính bước ngoặt đối với Tổng tống Moon, nhưng ngay từ đầu nó đã gây ra tranh cãi.

Mặc dù CVX là trọng tâm của tham vọng trở thành "hải quân nước xanh" của Hàn Quốc, nhiều người cho rằng nó chỉ đơn giản là một mục tiêu nổi lớn và không phù hợp để hoạt động dọc theo các vùng ven biển của Triều Tiên.

Với thực tế như vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu dự án tàu sân bay hạng nhẹ CVX bị đình chỉ, trong khi Hàn Quốc lại mua thêm nhiều tiêm kích tàng hình F-35A để thay thế.