Tiêm kích hạm tàng hình F-35C gặp nạn khi hạ cánh xuống tàu sân bay Mỹ

ANTD.VN - Tiêm kích hạm tàng hình F-35C bất ngờ mất kiểm soát và lao nhanh xuống boong tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đang hoạt động ở Biển Đông. Tuy phi công nhảy dù thoát an toàn, nhưng vụ tai nạn khiến 7 thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ bị thương.

Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ cho biết, hôm thứ Hai ngày 24/1, một tiêm kích hạm tàng hình F-35C Lightning II của lực lượng này đã lao xuống boong tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đang hoạt động ở biển Đông.

Vụ tai nạn đã khiến 7 thủy thủ bị thương, trong đó 3 người phải đưa đưa đến cấp cứu tại cơ sở y tế ở Manila, Philippines. Tình trạng sức khỏe của ba thủy thủ này hiện đã ổn định. Bốn thủy thủ còn lại được điều trị ngay trên tàu USS Carl Vinson và ba trong số họ đã được ra viện.
Khi gặp nạn, chiếc tiêm kích F-35C Lightning II thuộc biên chế của Không đoàn Số 2 trên tàu sân bay USS Carl Vinson đang tiến hành các hoạt động bay thường lệ trên Biển Đông. Phi công điều khiển máy bay đã nhảy thoát an toàn và đang trong tình trạng ổn định.
“Phi công đã phóng ra khỏi máy bay một cách an toàn và được một trực thăng quân sự Mỹ cứu giúp. Phi công đang ở trong tình trạng ổn định.
Hải quân Mỹ cho biết, đang điều tra làm rõ vụ việc.
F-35C là phiên bản tiêm kích tàng hình chuyên hoạt động trên các tàu sân bay của Mỹ. Chúng dự định sẽ thay thế hoạt động của tiêm kích hạm F/A-18C/D Hornet trên các tàu sân bay hạt nhân.
F-35C cùng với F/A-18E/F Super Hornet sẽ tạo thành cặp đôi tiêm kích hạm mạnh nhất thế giới của Hải quân Mỹ.
Trong khi F-35C nổi bật với khả năng tàng hình thì F/A-18E/F có tiếng về tải trọng vũ khí cũng như kinh nghiệm chiến đấu.
Do được thiết kế để hoạt động trên hạm nên F-35C có một vài thay đổi trong cấu trúc thiết kế.
Phần sơn cũng được pha chế đặc biệt để hạn chế sự an mòn của nước biển khi tàu sân bay hoạt động trên đại dương.
Phần cánh của F-35C lớn hơn và những thiết bị hỗ trợ hạ cánh khiến nó cơ động và linh hoạt hơn những phiên bản khác.

Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, phiên bản F-35C sở hữu khả năng mang nhiên liệu bên trong lớn hơn so với F-35A và F-35B, giúp tăng tầm tác chiến xa hơn.

Khung thân và càng đáp được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, ngoài phiên bản này cũng sử dụng các vật liệu chế tạo tốt hơn để tránh sự xâm hại và ăn mòn từ nước biển.
“F-35C áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không chiến thuật, bao gồm tất cả l từ cảm biến tối tân, vũ khí mới cải thiện tầm bắn và mức độ bền bỉ”, thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết.
Phi công trên F-35C cũng được trang bị mũ bay đặc biệt giúp gia tăng khả năng tác chiến trong những cuộc không chiến quần vòng.
Khi ở chế độ tàng hình, F-35C chỉ có khả năng mang theo khoảng 2,8 tấn vũ khí, tất cả đều được giấu trong thân máy bay.
Tuy nhiên khi không cần tàng hình, F-35C có khả năng mang theo 10,5 tấn vũ khí, đây là một con số cực kỳ ấn tượng cho chiếc tiêm kích một động cơ.
Với sự góp mặt của F-35C, năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ thực sự được nâng lên một tầm cao mới.
F-35C sẽ giúp Hải quân Mỹ tiếp tục duy trì sức mạnh vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng.
Trong bối cảnh Nga ngày càng tụt lại phía sau (tàu sân bay duy nhất của họ đang hư hỏng nằm bờ và viễn cảnh tái triển khai vẫn còn xa vời) thì Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ lớn nhất của Mỹ, cạnh tranh sức mạnh trực tiếp trên đại dương.
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển tiêm kích hạm cũng như tăng cường đóng mới cả tàu sân bay hạt nhân để vươn ra biển lớn. Với việc biên chế tiêm kích F-35C, Mỹ kỳ vọng kiềm chế được tham vọng của hải quân Trung Quốc.
F-35C là phiên bản duy nhất chưa thực chiến, trong khi F-35A và F-35B đã tham chiến tại Syria và Afghanistan, tại các chiến trường này chúng được đánh giá hiệu suất chiến đấu vượt cả sự mong đợi.