"Tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet đã phô diễn thành công khả năng vận hành an toàn trên các tàu sân bay Ấn Độ trong đợt thử nghiệm thực tế ở căn cứ hải quân Hansa ở Goa. Hai chiếc thuộc phiên bản F/A-18E hoàn tất nhiều đợt cất cánh từ cầu nhảy và hạ cánh dùng cáp hãm đà, thể hiện tính năng trong nhiều cấu hình chiến đấu, từ đối không đến đối đất và chống hạm, đáp ứng yêu cầu của hải quân Ấn Độ", Tập đoàn Boeing cho biết trong thông cáo hôm 20/7.
Trong video, chiếc F/A-18E của Phi đoàn tiêm kích số 25 hải quân Mỹ tăng tốc và rời khỏi cầu nhảy khi cất cánh. Máy bay mang theo ít nhất hai thùng dầu phụ và mô hình tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X.
Hình ảnh phi cơ trong một lần hạ cánh cho thấy nó mang hai quả bom dẫn đường bằng laser, tên lửa đối không tầm trung AIM-120 và tầm ngắn AIM-9X.
Đây là nỗ lực nhằm thuyết phục hải quân Ấn Độ đặt hàng tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, trong bối cảnh tập đoàn Dassault của Pháp cũng cạnh tranh đơn hàng với mẫu Rafale M.
Hải quân Ấn Độ đã triển khai dự án Tiêm kích hạm Đa năng (MRCBF) nhằm biên chế thêm 26 chiến đấu cơ cho tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant.
Những chiếc máy bay này bổ sung sức mạnh cho phi đội 45 máy bay chiến đấu MiG-29K do Nga phát triển, cũng như chuẩn bị lực lượng cho những tàu sân bay sử dụng máy phóng trong tương lai.
Sau khi vận hành phi đội tiêm kích hạm MiG-29K Ấn Độ tỏ ra không hài lòng về hiệu năng hoạt động của loại máy bay này, vì thế New Delhi đã không đặt mua thêm dù Nga liên tục mời chào.
Cả hai tàu sân bay của Ấn Độ đều dùng thiết kế cầu nhảy và cáp hãm đà, có ưu điểm là thiết kế và vận hành đơn giản, nhưng giới hạn đáng kể tải trọng vũ khí và nhiên liệu của phi cơ, cũng như chủng loại máy bay có thể vận hành.
Các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet trên tàu sân bay Mỹ hiện đều cất cánh bằng máy phóng bằng hơi nước hoặc điện từ, giúp chúng đạt vận tốc cất cánh cao hơn, quãng đường di chuyển trên tàu sân bay ngắn hơn và mang theo được nhiều vũ khí, khí tài hơn.
Tuy thế chúng vẫn có thể hoạt động tốt trên các tàu sân bay có thiết kế kiểu cất cánh nhảy cầu dù tải trọng vũ khí có giảm đi đôi chút.
Ngoài Mỹ thì Pháp cũng đang cạnh tranh đơn hàng cung cấp tiêm kích hạm cho hàng không mẫu hạm của Ấn Độ với mẫu Rafale M.
F/A-18E/F Super Hornet là loại máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, bắt đầu biên chế cho Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1999.
F/A-18 Super Hornet là một phiên bản có kích thước lớn và hiện đại hơn được phát triển từ F/A-18C/D Hornet.
Tiêm kích hạm này được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, nó bay lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997.
F/A-18 Super Hornet đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999 với hai biến thể E một chỗ ngồi và F hai chỗ ngồi để thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.
Máy bay được thiết kế với chiều dài: 18.31m; Sải cánh: 13.62m; Chiều cao: 4.88m.
Trọng lượng cất cánh tối đa của F/A-18 Super Hornet lên tới 30 tấn.
Máy bay được trang bị động cơ F414-GE-400 với lực đẩy đốt sau lên tới 98 kN. Hai động cơ cực khỏe này giúp F-18 Super Hornet có thể bay với vận tốc Mach 1.6. Tầm bay lên tới 2346 km.
Về hỏa lực, F/A-18 Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân, cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài.
Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…
Máy bay cũng được trang bị hệ thống đối kháng tổng hợp (IDECM) gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa, có khả năng phóng mồi bẫy ALE-47, ALE-50; radar cảnh báo AN/ALR67V3 và hệ thống gây nhiễu ALQ-65 hoặc ALQ-71; hệ thống thông tin số liệu chuẩn Link 16…
Hiện đây vẫn là máy bay tiêm kích hạm thành công nhất thế giới. Ngoài Mỹ còn có một số quốc gia khác cũng đang sử dụng loại máy bay này.