Nhiều ý kiến của giới quan sát quốc tế cho rằng, vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ngay giữa thủ đô Tehran của Iran đã được Israel thực hiện bằng một quả tên lửa chính xác phóng bởi tiêm kích tàng hình F-35I Adir.
Kênh truyền hình 12 của Israel trước đó cho biết, vụ ám sát được thực hiện bằng một tên lửa không đối đất, quả đạn nhắm thẳng vào phòng ngủ của ông Haniyeh lúc 2 giờ sáng ngày 31/7, vụ nổ khiến nhân vật này cùng cận vệ thiệt mạng.
Báo chí Iran chưa rõ làm sao quả tên lửa vượt qua được các hệ thống phòng không dày đặc của Iran bao gồm S-300, Tor-M1, Khordad-3/15 trải dài đủ cự ly cũng như tầm cao, điều này càng cho thấy trình độ khoa học công nghệ quân sự rất cao của Israel.
Sau đó một thời gian, tất cả các chuyên gia quân sự đều đi tới nhận định tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35I Adir đã được Không quân Israel huy động thực hiện vụ ám sát, bởi đây là phương tiện duy nhất đủ khả năng "bịt mắt" phòng không đối phương dễ dàng như vậy.
Ngay từ năm 2018, Israel đã tuyên bố các tiêm kích F-35I của nước này lượn nhiều vòng trên đầu các cơ sở hạt nhân của Iran như hành động cảnh cáo, thậm chí Tư lệnh phòng không Iran đã bị cách chức sau vụ việc trên.
Vụ việc mới nhất một lần nữa cho thấy nhiều khả năng tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel đủ khả năng ra vào không phận Iran "tự do", đây là đòn giáng mạnh vào uy tín của các hệ thống phòng không do Nga và cả Tehran sản xuất.
Còn đối với quả tên lửa được sử dụng, theo suy đoán từ giới phân tích, căn cứ vào độ chính xác và uy lực thì nhiều khả năng đây là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA với tên gọi Air LORA.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (Israel Aerospace Industries - IAI) chỉ mới ra mắt tên lửa không đối đất Air LORA bên lề Triển lãm hàng không ILA diễn ra ở Đức vào đầu năm nay.
Loại đạn tấn công tầm xa có độ chính xác cao này ban đầu được phát triển cho tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật cùng tên, ở phiên bản mặt đất, nó có tầm bắn vào khoảng 400 km.
Vẫn chưa rõ tầm bắn của Air LORA là bao nhiêu nhưng giới phân tích nhận định sẽ lớn hơn đáng kể. Tên lửa nói trên đã được thử nghiệm trên máy bay chiến đấu F-16I Sufa của Không quân Israel và IAI tuyên bố Air LORA có thể hoạt động với nhiều dòng tiêm kích khác.
Do là phiên bản phóng từ trên không dựa trên tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA cho nên nhiều thông số kỹ thuật cơ bản đối với biến thể Air LORA theo nhận xét không quá khác biệt.
Tên lửa LORA cơ sở có chiều dài 4,7 - 5,2 m (tùy phiên bản); đường kính thân 0,62 m; trọng lượng 1.600 - 1.800 kg; mang theo đầu đạn nặng 440 - 600 kg.
Điểm đặc sắc của tên lửa đạn đạo LORA đó là nó có quỹ đạo được lập trình với khả năng tự điều điều chỉnh đường bay nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương.
Nhờ sử dụng phương thức dẫn đường quán tính có tham chiếu GPS kết hợp với đầu dò TV giai đoạn cuối mà độ sai lệch của tên lửa LORA chỉ trong khoảng 5 m, đi kèm với sức công phá rất lớn khiến mọi mục tiêu đều dễ dàng bị phá hủy.