Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn buổi sáng nay (11-9) để gặp gỡ, lắng nghe các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015. Trước chia sẻ thẳng thắn của các nhà khoa học trẻ về phát minh, sáng chế và những chông gai trên con đường nghiên cứu khoa học- công nghệ, người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần phải ngắt lời diễn giả, với mong muốn được nghe nhiều hơn về những công trình tâm huyết của họ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương thành tích của các nhà khoa học trẻ Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng phát huy sáng tạo, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thủ tướng trực tiếp “đặt hàng” nhà khoa học

Là một trong gần 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 được tham dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng nay, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (ĐHSP Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) kể về 3 công trình nghiên cứu lớn của anh. Anh là người chế tạo ra mắt thần nhằm đem lại ánh sáng cho người khiếm thị.

“Từ mô hình robot hoạt động trên mặt trăng, tôi nghĩ tại sao không thể chế tạo mắt thần giúp người khiếm thị.Tôi đã gom hết tiền để chế tạo sản phẩm đầu tiên, hình thức giống như một chiếc nón, nặng tới 20kg và thành công. Những phiên bản sau, chiếc mắt thần này chỉ còn 200g, rất nhẹ  và tiện dụng, giá thành chỉ 2 triệu đồng/chiếc. Trong phòng thí nghiệm, phiên bản mắt thần không dây, có thể nghe nói đã được thử nghiêm thành công và sắp tới tôi sẽ công bố”- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nói.

Theo nhà khoa học trẻ này, cả nước hiện có 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó 300.000 người mù hoàn toàn. Mắt thần do Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải nghiên cứu, chế tạo đã tặng hoàn toàn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, người mù bán vé số… Đáng chú ý, sản phẩm này được đối tác tại Mỹ quan tâm, muốn đặt hàng.

Lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nhà khoa học nói thêm về chiếc mắt thần. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đặt hàng 300.000 chiếc mắt thần để hỗ trợ cho người khiếm thị trên toàn quốc. “Đất nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có hơn 300.000 người khiếm thị. Chúng ta tự chế tạo được mắt thần, cần hỗ trợ họ. Người khiếm thị rất khổ. Trong năm 2016 nếu làm được đủ 300.000 chiếc càng tốt.”- Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân làm việc với Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải.

Ngoài công trình nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải còn chế tạo robot hỗ trợ giảng dạy, máy chế biến nhằm nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam. Anh cũng mở mô hình bán cà phê 1m2 để tạo việc làm cho học sinh, sinh viên, người sau cai nghiện ma túy trở về. “Tôi đã bán hết 4 xe ô tô để thực hiện các ý tưởng của mình. Khó khăn của người làm khoa học là liên tục, lớn như bầu trời, nhưng luôn có ánh sáng. Nhà khoa học có ý tưởng thì sau 1 đêm trằn trọc, sáng dậy phải làm luôn, chứ không thể đợi làm các thủ tục giấy tờ theo quy trình của các cơ quan Nhà nước, mất cả năm trời thì mất ý tưởng”- Tiến sĩ Lại Bá Hải chia sẻ. Đáng chú ý, những công trình nghiên cứu, sáng tạo của nhà khoa học này đều hướng đến trách nhiệm xã hội và làm từ thiện...

Đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KH-CN, nhà khoa học Nguyễn Đình Nam đánh giá, Việt Nam có tiềm năng kinh doanh Internet trong khu vực. “Trung tâm Internet Việt Nam- VNNIC đã có, chỉ cần thay đổi cơ chế, chính sách hoạt động vượt ra khỏi cơ chế tự phục vụ nội địa, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm Internet. Máy chủ đặt tại Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, các công ty đa quốc gia sẽ lập tức tìm đến Việt Nam”- nhà khoa học Nguyễn Đình Nam nói.

Quan tâm đến ý tưởng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho các bộ ngành liên quan xem xét các cơ chế, chính sách để biến ý tưởng thành hiện thực.


Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ

Nhà khoa học Phạm Văn Phúc (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) thẳng thắn chia sẻ về tình trạng khủng hoảng niềm tin đối với thế hệ trẻ, đối với nhiều nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng. “Việc hợp tác làm việc giữa các nhà khoa học trẻ với các thế hệ đi trước, các cơ quan quản lý rất khó khăn. Công việc không thuận lợi. Mặc dù Chính phủ, Bộ KH-CN đã có nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển KH-CN nhưng càng ngày càng có thêm nhiều ràng buộc. Các nhà quản lý kỳ vọng gì ở những chính sách này? Tôi cho rằng đó là vì họ không tin tưởng vào các nhà khoa học trẻ. Không ít người như chúng tôi vì vậy mà chán nản và ra nước ngoài làm việc”- Tiến sĩ Phạm Văn Phúc nói.

Cùng chung nỗi băn khoăn này, Tiến sĩ Phạm Phương Chi (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải giống hay đi theo các bậc tiền bối. Vì vậy các thế hệ đi trước, các nhà quản lý không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học, để họ có điều kiện tự bứt phá. Nữ Tiến sĩ Phạm Phương Chi bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được chịu trách nhiệm với bất kỳ nhiệm vụ khoa học nào, không phải dựa trên cơ cấu đưa vào vì tỷ lệ cân bằng giới. Hãy nhìn vào những việc chúng tôi làm, những thành quả chúng tôi đạt được, thay vì xem chúng tôi là nam hay nữ, đẹp hay xấu, truyền thống gia đình ra sao…”.

Ngoài những chia sẻ nêu trên, các nhà khoa học trẻ cũng nói lên những vướng mắc về chế độ đãi ngộ để đảm bảo cuộc sống, môi trường làm việc để phát huy sáng tạo… với mong muốn được tháo gỡ để họ chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra những công trình, sản phẩm có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Biểu dương và trân trọng những thành tích, trách nhiệm của các nhà khoa học, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ưu tiên phát triển KH-CN chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ luôn luôn mong muốn các nhà khoa học trẻ đem tài năng, nhiệt huyết của mình cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước; Khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các nhà khoa học trẻ hoạt động. Tôi yêu cầu Bộ KH-CN và các bộ ngành khác cần có cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học trẻ phát huy, sáng tạo”.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác. Để đất nước phát triển bền vững, không có cách nào khác là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH-CN xem xét, chủ trì, tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại thường xuyên hơn nữa để các nhà khoa học được tự do bày tỏ tâm tư, nguyện vọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ.