Dụng nhân như dụng mộc

ANTĐ - Theo số liệu thống kê mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cả nước có 24.300 tiến sĩ  và 101.000 thạc sĩ. Một thống kê khác của Bộ KH&CN cho thấy, trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. 

Có nhận định rằng, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực, nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Để so sánh, trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế, gấp 5 lần của ta!

Thực tế cũng cho thấy rằng, ở ta có nhiều người học tiến sĩ chỉ để lấy danh. Ngoài ra, ở Việt Nam chỉ có 24% tiến sĩ công tác tại lĩnh vực kỹ thuật khoa học công nghệ. Còn lại 76% thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp… là những lĩnh vực không thể có sáng chế được. Nói như thế để các nhà khoa học đỡ mang tiếng, và được công bằng bởi số các nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu  khoa học công nghệ thật sự không nhiều. 

Nhiều sáng chế (chế tạo tàu ngầm Trường Sa, chế tạo xe bọc thép, sáng chế ra thuốc trừ sâu từ thảo mộc...) được giới phân tích đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo lại là của các “nhà khoa học chân đất” chứ không phải của các tiến sĩ có bằng cấp. Các sáng chế của người dân chủ yếu là tự mày mò học hỏi, tìm kiếm. Nhưng để công bằng mà nói, từ trước tới nay các nhà khoa học Việt Nam cũng đã có rất nhiều sáng tạo, nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công. Mấy ai có biết Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới làm được vắc-xin Rota. Đây là những nghiên cứu khoa học được đánh giá cao nhưng chỉ được coi là thuộc trách nhiệm của nhà khoa học phải làm, nên không được “tung hô” rầm rộ. Trong khi đó những sáng chế của người dân bình thường lại được được nhiều người đánh giá cao. 

Dù sao thì chúng ta đã có truyền thống xem “hiền tài là nguyên khí Quốc gia”; từ thời  vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt được xem là hùng cường, là một triều đại huy hoàng vì nguyên tắc dùng người tài này. Nhưng bây giờ không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta sử dụng họ đúng. Ví như việc bổ nhiệm họ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo như một “phần thưởng”, như một cách để “chiêu hiền đãi sĩ” lại là cách dụng nhân sai lầm. Công tác quản lý và nghiên cứu khoa học là hai lĩnh vực khác nhau.

Một tiến sĩ giỏi chưa chắc có kinh nghiệm, khả năng quản lý tốt bằng một cử nhân bình thường. Thế nhưng dù phải mất nhiều tiền, công sức mới đào tạo nổi một tiến sĩ khoa học từ các nước phát triển, nhưng khi trở về thì họ lại bị chìm ngập trong việc bàn giấy; suốt ngày, suốt tháng chỉ hội họp hết cuộc này đến phiên nọ thay vì dành phần lớn thời gian nghiên cứu, giảng dạy. Chưa kể rồi bị cuốn theo nhịp sống đời thường họ chìm dần vào nhưng lo toan cơm áo. Họ phải gác lại những gì học được, xếp lại những đề án, ý tưởng nghiên cứu để chạy theo sự mưu sinh. Thêm nữa, điều kiện để họ phát huy khả năng cũng hạn chế, không thể thi triển những gì đã học được.

Dụng nhân như dụng mộc, nếu các nhà khoa học ở đúng vị trí, đóng đúng vai trò của họ, nơi họ có thể sống, làm việc và cống hiến theo đúng khả năng của mình thì nguồn “nguyên khí Quốc gia” sẽ còn được khai thác nhiều hơn.