Thổ Nhĩ Kỳ nói gì về việc Thụy Điển, Phần Lan có thể gia nhập NATO?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thổ Nhĩ Kỳ không ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, nhưng Ankara muốn đàm phán với các quốc gia vùng Scandinavia về 1 chiến dịch trấn áp những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là hoạt động khủng bố, đặc biệt là ở Stockholm (Thụy Điển), hãng Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 14-5-2022 cho biết.
Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

“Chúng tôi không đóng cửa. Nhưng về cơ bản chúng tôi đang nêu chuyện này như 1 vấn đề an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”, phát ngôn viên Ibrahim Kalin trả lời phỏng vấn của hãng Reuters.

Người phát ngôn này cho biết thêm, Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đang gây quỹ và tuyển mộ trên khắp châu Âu và sự hiện diện của tổ chức này là “mạnh mẽ, công khai và được thừa nhận” ở Thụy Điển.

“Điều cần làm là rõ ràng: họ phải ngừng cho phép các cơ sở, hoạt động, tổ chức, cá nhân và các hình thức hiện diện khác của PKK… tồn tại ở các quốc gia đó”, phát ngôn viên Kalin nói, “Việc trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn là 1 quá trình. Chúng tôi sẽ xem mọi thứ diễn ra như thế nào. Nhưng đây là điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn tất cả các đồng minh cũng như chính quyền Thụy Điển chú ý”.

Do đó, ông Kalin lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn “có 1 cuộc thảo luận, cuộc đàm phán với đối tác Thụy Điển”.

Theo ông Kalin, việc Nga chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch của Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập NATO, không ảnh hưởng gì đến quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập NATO đều phải cần sự ủng hộ của tất cả các thành viên trong khối quân sự này. Mỹ và các thành viên khác của EU đã nỗ lực làm rõ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vào năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ 2 trong NATO, thường ủng hộ việc kết nạp các thành viên mới.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Ankara đã trừng phạt Thụy Điển và các nước châu Âu khác vì việc hành xử của những nước này đối với các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố.

Cả 2 nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển được cho là thận trọng trong việc đối đầu với Matxcơva khi họ gia nhập NATO, nhưng lo ngại về an ninh của các nước này tăng lên kể từ ngày 24-2 vừa qua, thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.