- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hạ lệnh "ngừng di chuyển quân khắp thế giới" đề phòng Covid-19
- Taliban từ chối đàm phán với chính quyền Afghanistan
- Căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan bị tấn công tên lửa
Trong khi các chính phủ trên thế giới đấu tranh với đại dịch Covid-19, các nhóm nổi dậy có vũ trang, ổ nhóm khủng bố và các băng đảng ma túy cũng tận dụng cơ hội đưa ra các thông điệp chiến lược về y tế công cộng. Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm như vậy tham gia vai trò vốn thuộc về chính phủ. Một số cuộc khủng hoảng gần đây đã cho thấy năng lực chuẩn bị và ứng phó của một số quốc gia còn hạn chế, tạo cơ hội cho “thế giới ngầm” củng cố vai trò của mình.
Tẩy trùng đường phố bên ngoài khu ổ chuột Rocinha ở Rio de Janeiro, Brazil
Cuộc chiến không của riêng ai
Ở miền Đông Afghanistan, nơi Chính phủ Afghanistan và Taliban xung đột gần 20 năm nay, cả đôi bên đã có sự cạnh tranh rõ ràng xem phía nào có chính sách y tế hiệu quả hơn. Ông Esmatullah Asim, một thành viên hội đồng tỉnh Wardak cho biết, sự thể hiện của lực lượng Taliban trong tháng này rất đáng chú ý.
Theo ông Asim, chính phủ chỉ cách ly những người có triệu chứng khi nhập cảnh từ biên giới, nhưng Taliban cách ly mọi người vừa trở về từ Iran. “Công tác kiểm dịch của Taliban tốt hơn nhiều so với chính phủ. Nhóm này cũng nâng cao nhận thức về virus Corona mới trong lãnh thổ mà họ kiểm soát. Họ dừng xe, tuyên truyền với hành khách cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, ông nói.
Ngay cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng về việc này. “Chúng tôi cùng Bộ Y tế công cộng Afghanistan hoan nghênh những nỗ lực của Taliban nhằm nâng cao nhận thức chống lại dịch Covid-19 và đề nghị của họ về đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế và các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh này”, Bộ Ngoại giao Mỹ viết trên Twitter.
Ở Mexico, ít nhất 2 băng đảng ma túy đã bắt đầu cung cấp các gói viện trợ cho cư dân ở những nơi bọn họ kiểm soát một phần. Ở bang Michoacán, một video xuất hiện vào tuần trước cho thấy, băng đảng Los Viagras phát thực phẩm cho hàng trăm người.
Tại Tamaulipas, một tiểu bang của Mexico giáp bang Texas của Mỹ, người ta cũng thấy những túi hàng gồm đường, dầu ăn và các mặt hàng thiết yếu khác chất thành từng đống lớn. Trên mỗi túi hàng đều dán: Nhà tài trợ “Băng đảng Gulf” ủng hộ thủ phủ Ciudad Victoria.
“Các băng nhóm tội phạm đang muốn được xem như là nơi đóng góp về vật chất và xây dựng khái niệm an ninh mới tại chính địa bàn mà bọn họ hoạt động tống tiền, bắt cóc và bạo lực. Với một số người, tham gia những nhóm đó có thể là giải pháp cuối cùng khi không còn sự lựa chọn nào khác”, ông Falko Ernst, một nhà phân tích của Nhóm Khủng hoảng quốc tế ở Mexico nhận xét.
Trong khi đó, với các khu ổ chuột tại Brazil, tin nhắn cảnh báo được gửi qua ứng dụng điện thoại WhatsApp. Bất cứ ai bị bắt gặp trên đường phố sẽ được nhắn nhủ về tôn trọng các biện pháp cách ly từ băng nhóm ở khu ổ chuột tại Rio de Janeiro. “Chúng tôi muốn điều tốt nhất cho dân chúng. Nếu chính phủ không thể quản lý, tội phạm có tổ chức sẽ giải quyết”, họ cảnh báo.
Một số nhóm cũng lợi dụng dịp này để tuyên truyền cho tư tưởng của họ. Ở Somalia, các tay súng al-Shabab liên kết với al-Qaeda cho rằng đại dịch lan truyền do các thế lực ngoại bang xâm nhập. Tại Yemen, phiến quân Houthi đã cáo buộc Ảrập Saudi phân phát khẩu trang đã nhiễm Covid-19.
Trách nhiệm và cả những toan tính
Các nhà phân tích nghiên cứu về các nhóm vũ trang hiện đã lên danh sách hàng chục nhóm phiến quân và nổi dậy thực hiện các chính sách y tế công cộng. “Trong một số trường hợp, chính phủ không thể làm xuể nên đây là cơ hội để các nhóm vũ trang phi chính thống thể hiện trách nhiệm của họ. Trong các trường hợp khác, họ làm là vì quan tâm đến các thành viên của mình hoặc coi đó là bằng chứng cho cuộc chiến tuyên truyền chiến tranh”, ông Sarah Parkinson, Giáo sư Khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Johns Hopkins nói.
Một số chính phủ đã thừa nhận rằng các nhóm vũ trang có thể khai thác điểm yếu của cơ quan nhà nước sau khi dịch bệnh gây tác động lớn cho nền kinh tế. Thị trưởng thành phố Palermo của Ý, Leoluca Orlando, đã cảnh báo trong tháng 4 này rằng, đội quân mafia “sẵn sàng khai thác sự tuyệt vọng của người nghèo mới do dịch Covid-19”. Các quan chức khác của Ý gợi ý rằng mafia có thể cung cấp các khoản vay hoặc khoản tiền mặt riêng để phá hoại chính phủ.
Tháng trước, khi Chính phủ El Salvador thực hiện lệnh phong tỏa sớm nhất và nghiêm ngặt nhất, các thủ lĩnh của nhóm tội phạm MS-13 cũng tuyên bố lệnh giới nghiêm của riêng mình. Đó là sự trùng hợp hiếm hoi giữa chính sách của nhà nước với các băng đảng vốn đã nổi lên từ nhiều năm nay.
Nhưng điều đó cũng phản ánh một thực tế ở El Salvador: Cảnh sát có mức tiếp cận hạn chế ở các khu dân cư nằm dưới sự kiểm soát của tội phạm, và ở những nơi đó, mọi người thực hiện lệnh giới nghiêm do băng đảng ban hành. MS-13 giải thích với phóng viên hãng tin El Faro của San Salvador: Chính sách này là bảo vệ các thành viên của chính họ, những người có lẽ sẽ không được tiếp cận điều trị y tế nếu họ bị nhiễm bệnh. “Nếu phải lựa chọn giữa hai bệnh nhân nặng: một thành viên của chúng tôi, người đầy xăm trổ và một bà già khác, họ sẽ không cứu chữa cho một thành viên băng đảng và để anh ta chết”, một thành viên nói.
Tương tự, tại Afghanistan, Taliban đã phái các nhóm quân đi phân phát găng tay, xà phòng và khẩu trang ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của nhóm này. Nhưng trong khi quân nổi dậy và chính phủ đồng ý về sự cần thiết phải chống lại virus, họ vẫn tiếp tục chiến đấu với nhau. “Chúng tôi không thể ngừng hoàn toàn các cuộc tấn công”, Zabiullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban nói. Người này đổ lỗi cho chính phủ vì đã không thuyết phục được họ.
Ở nhiều quốc gia, cảnh sát đã được bố trí lại từ nông thôn đến thành thị, giúp các nhóm tội phạm có nhiều không gian hoạt động hơn khi thực thi chính sách y tế thời đại dịch. Trong một số trường hợp, “các nhóm tội phạm sẽ đóng vai trò là người thi hành án, thậm chí theo yêu cầu của nhà nước. Địa bàn thường là vùng ngoại vi thành phố và nông thôn từ lâu đã nằm dưới sự kiểm soát của nhóm tội phạm”, nhà nghiên cứu Vanda Felbab-Brown của Viện Brookings nhận định.
Một số thành viên Taliban vừa được thả khỏi nhà tù Bagram ở phía Bắc Kabul trong chương trình trao đổi tù binh với Chính phủ Afghanistan
Hayat Tahrir al-Sham, nhóm chiến binh ở tỉnh Idlib, miền Bắc Idlib đã nhân đại dịch Covid-19 này xây dựng hình ảnh như một cơ quan quản lý hợp pháp, ra lệnh hạn chế tụ tập và cung cấp thông tin y tế cho công chúng. Không có trường hợp nhiễm Covid-19 nào ở tỉnh này được báo cáo.
Các quan chức y tế Syria và nhân viên cứu trợ nói rằng sự lây lan của virus trong các trại tị nạn đông đúc ở Idlib, nơi rất ít người được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, sẽ rất tai hại. Ayman Jibis, người đứng đầu cơ quan y tế do Hayat Tahrir al-Sham thành lập cho biết: “Khu vực này có đặc điểm là đông người tập trung trong không gian địa lý nhỏ, nhất là mật độ dày đặc trong các trại tị nạn. Hậu quả sẽ thật tai hại nếu dịch bệnh lây lan”.
“Trong một số trường hợp, chính phủ không thể làm xuể nên đây là cơ hội để các nhóm vũ trang phi chính thống thể hiện trách nhiệm của họ. Trong các trường hợp khác, họ làm là vì quan tâm đến các thành viên của mình hoặc coi đó là bằng chứng cho cuộc chiến tuyên truyền chiến tranh”.
Ông Sarah Parkinson (Giáo sư Khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Johns Hopkins)