Thách thức cực lớn với xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM khi tham chiến tại Ukraine

ANTD.VN - Xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM sẵn sàng có mặt tại chiến trường Ukraine sau khi nó hoàn thành các bài thử nghiệm và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, tuy nhiên chờ đợi nó là vô vàn thách thức.

Xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM bị đánh giá là phương tiện tác chiến được tạo ra từ một khái niệm sai lầm, bởi vậy nhiều khả năng nó sẽ gặp phải thảm họa nếu được tung vào chiến trường Ukraine.

Người đứng đầu Kurganmashzavod - cơ sở sản xuất xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và BMD-4, ông Petr Tyukov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương rằng công việc đang được tiến hành khẩn trương đối với xe tăng hạng nhẹ 2S25M Sprut-SDM.

Phương tiện tác chiến còn được gọi là "Pháo tự hành diệt tăng" này đang trải qua những bài kiểm tra cuối cùng, sau đó quá trình sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu để sớm góp mặt tại chiến trường Ukraine.

Cỗ máy này là sự hiện đại hóa từ nguyên mẫu 2S25 Sprut-SD, bắt đầu chế tạo từ năm 1983 và chỉ được Quân đội Nga chính thức chấp nhận từ năm 2006, sau đó bắt đầu sản xuất trên quy mô nhỏ.

Theo ước tính, khoảng 40 phương tiện loại này đã xuất xưởng, nhưng số lượng của chúng đã giảm sau ngày 24/2 năm nay. Ít nhất đã có tài liệu về trường hợp Quân đội Ukraine tiêu diệt thành công Sprut-SD của Quân đội Nga.

Bản thân việc hiện đại hóa Sprut-SD hoàn toàn có thể gọi là "sách giáo khoa" đối với Liên bang Nga: thông qua việc lắp đặt hệ thống điều khiển hỏa lực mới với kính ngắm Sosna-U cho xạ thủ và kính nhìn toàn cảnh cho chỉ huy.

Tuy vậy khí tài ảnh nhiệt nào sẽ được lắp đặt trong loại kính ngắm này, thay thế sản phẩm của Pháp đã không còn được cung cấp vì lệnh cấm vận là câu hỏi gây ra nhiều thắc mắc.

Nhưng bản thân 2S25M Sprut-SDM vẫn tồn tại tất cả những sai sót về mặt khái niệm, thậm chí dẫn đến cái tên, không phải xe tăng hạng nhẹ mà là pháo chống tăng tự hành.

Trước hết, yêu cầu vượt chướng ngại vật nước bằng cách bơi và thả dù từ máy bay vận tải dẫn đến giới hạn trọng lượng của nó không vượt quá 20 tấn. Điều này dẫn đến việc sử dụng giáp bằng nhôm nhẹ.

Thứ hai, pháo 125 mm cùng hệ thống nạp đạn tự động không thực sự tốt khiến tổ lái phải "ngồi trên" kho đạn có thể phát nổ bất cứ lúc nào, nhất là khi vỏ giáp không cung cấp sự bảo vệ đủ tin cậy.

Nhược điểm này đã thể hiện đầy đủ trên BMP-3 và BMD-4 với khẩu pháo 100 mm, khiến Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đang cố gắng loại bỏ chúng và tiếp tục sản xuất BMP-2 nhằm giảm nguy cơ thương vong cho binh sĩ.

Đối với Sprut-SDM, vò giáp của nó thậm chí không được đánh giá cao bằng BMP-3, chỉ tương đương BMD-4 trong khi khẩu pháo chính của nó có cỡ nòng lên tới 125 mm, tức là nếu trúng đạn, không chỉ tháp pháo bị ném văng mà xe sẽ bị "xé vụn".

Hơn nữa cỗ máy này được thiết kế cho lực lượng đổ bộ đường không, họ liệu có cần một xe tăng hạng nhẹ để dẫn đầu cuộc tấn công (cho dù Sprut-SDM khó lòng đảm nhiệm vai trò này) là câu hỏi khác cần giải đáp.

Nếu được tung vào chiến trường Ukraine, xe tăng hạng nhẹ Sprut-SMD khó lòng sống sót may mắn như các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 hay T-80 khi bị tên lửa chống tăng đánh vào đúng vị trí giáp dày nhất.

Vỏ giáp của Sprut-SDM không chống nổi bất cứ loại tên lửa chống tăng nào của Ukraine, tại mọi vị trí trên thân, cùng với năng lực của vũ khí vẫn bị nghi ngờ, rõ ràng 2S25M nhiều khả năng sẽ gặp phải thách thức cực lớn, có thể trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất.