Tên lửa SA-7 của Hamas nhắm thẳng vào trực thăng Apache Israel tại Gaza

ANTD.VN - Vào ngày 31/12/2023, lực lượng Hamas đã dùng tên lửa phòng không vác vai SA-7 tấn công trực thăng AH-64 Apache của quân đội Israel tại Dải Gaza. 

Xung đột tại Dải Gaza vẫn tiếp tục căng thẳng khi quân đội Israel điều trực thăng tấn công AH-64 Apache không kích, trong khi lực lượng Hamas lại dùng tên lửa phòng không SA-7 nhắm bắn trực thăng này.

Quân đội Israel thừa nhận việc Hamas đã dùng tên lửa phòng không vác vai SA-7 nhắm vào máy bay của họ.
Quân đội Israel cho biết thêm rằng, các đòn đánh chặn từ tên lửa SA-7 đã không gây ra thiệt hại cho họ.
SA-7 chính là định danh NATO gọi tên lửa phòng không vác vai Strela 2 do Liên Xô phát triển và đưa vào trang bị vào năm 1968.
Mặc dù Strela 2 bị hạn chế về tầm bắn, tốc độ và độ cao, nhưng nó rất hữu hiệu khi đối phó với các mục tiêu bay thấp như máy bay ném bom bổ nhào, máy bay vận tải hoặc trực thăng.

Tuy không có tầm bắn cao, nhưng Strela 2 có thể buộc các phi công của đối phương phải bay cao hơn tầm hoạt động hiệu quả của nó, từ đó giảm đi hiệu suất tác chiến.

Mặt khách việc trực thăng bay cao sẽ làm tăng khả năng bị phát hiện bằng radar và dễ bị tấn công bởi các hệ thống phòng không khác.
Sau hơn 50 năm được chế tạo, Strela-2 vẫn tiếp tục được sử dụng bởi một số quân đội, lực lượng quân sự.
Strela-2 có khối lượng phóng 15 kg, riêng quả đạn tên lửa nặng tới 9,8 kg.
Đạn tên lửa có chiều dài 1,4 m và đường kính rộng 72 mm.
Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 4km với trần bay tối đa 2,3 km.
Tên lửa có vận tốc 580 m/s và sử dụng đầu dò hồng ngoại để phá hủy mục tiêu.
Đạn tên lửa có 4 tầng: tầng thứ nhất là đầu tự dẫn, tầng thứ 2 có cánh lái để điều khiển hướng bay, tầng thứ 3 chứa đầu đạn mang thuốc nổ phá mảnh, tầng cuối cùng là động cơ.
Strela-2 hiện đang giữ thành tích bắn hạ nhiều máy bay nhất trong số các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai trên thế giới.
Nhằm đối phó với loại vũ khí này, các cường quốc đã trang bị các hệ thống chuyên dụng để vô hiệu hóa việc ngắm bắn của loại tên lửa đáng sợ này.
Hiện nay dòng tên lửa này vẫn đang được hàng chục quốc gia cũng như các tổ chức vũ trang sử dụng.