- Ra mắt bản đồ "Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ"
- Tái sử dụng tối đa vật liệu gốc của Di tích Quốc gia đình Phú Lương, huyện Ứng Hòa
- Tuần lễ văn hóa "Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì"
Với những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, bên cạnh hai cây đuya già, hay còn gọi là "cây song song" đã mọc lên nhiều cọc bê tông cùng hàng chục cột sắt, đem lại cảm giác bất an nếu như dự án chòi ngắm tiếp tục được thi công cho tới những hạng mục cuối cùng.
Cảm giác bất an này thực chất là nỗi lo sợ bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mảnh đất Y Tý bởi đã từng có nhiều tiền lệ đau xót trong tu bổ di tích đã diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước đây, nhiều người còn nhớ ngôi đình Lương Xá 300 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội được nhiều chuyên gia di sản đánh giá là một trong số ít những ngôi đình từ thế kỷ 17 có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, nay đã bị hạ giải và bê tông hóa dưới “lớp áo” trùng tu di tích.
Cột bê tông và hàng rào sắt được xây sát cạnh "cây song song" |
Hay khách sạn Panaroma ở Mã Pì Lèng, Hà Giang vấp phải làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội vào đầu tháng 10-2019.
Về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động.
Thế nên khi cạnh 2 cây đuya già chuẩn bị xuất hiện một chòi bê tông đương nhiên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Một trong những người như thế là NSƯT Chiều Xuân, một người yêu nhiếp ảnh và du lịch. Bản thân nghệ sĩ Chiều Xuân đã trực tiếp gọi điện tới lãnh đạo tỉnh Lào Cai để phản ánh việc này. Vì chị biết, nơi "bồng lai tiên cảnh" này sẽ bị tác động ra sao nếu công trình không dừng lại.
"Việc xây dựng chòi canh ngắm cảnh săn mây ở vị trí bên cạnh "cây song song" là vô nghĩa. Không ai lại đứng ở chỗ hai cái cây để ngắm cảnh cả. Để chụp ảnh hay săn mây, du khách đều đứng lùi lại về phía bản làng người Hà Nhì mới cảm nhận và thu vào tầm mắt, ống kính trọn vẹn khung cảnh thần tiên, trong veo. Cánh nhiếp ảnh giờ phải đi vào hàng cùng ngõ hẻm để tìm kiếm những vẻ đẹp hoang sơ, không dễ gì tìm thấy trong đời sống hiện đại. Vì thế, chúng ta cần phải lên tiếng để bảo vệ cho con cháu sau này", NSƯT Chiều Xuân nói.
Bức ảnh chụp "cây song song" do NSƯT Chiều Xuân thực hiện |
Cũng theo nghệ sĩ, dựng chòi ngắm cảnh cũng cần phải tính toán để phù hợp với cảnh quan xung quanh là những ngôi nhà có tường đất rất đẹp của người Hà Nhì. Và tất nhiên, không ai lại đi dựng ở "cây song song".
Còn tay máy Ngô Xuân Phú cho rằng, 2 cái cây đó mọc hoang ở giữa cánh đồng, họ làm cái chòi ngắm cảnh bằng bê tông sẽ trông lố bịch và ảnh hưởng tới cảnh quan hoang sơ của Y Tý.
Sau khi nhận được phản ánh của chính quyền địa phương, người dân và du khách về việc thi công hạng mục Chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn không phù hợp với văn hóa dân tộc bản địa, ngay trong sáng 23/6, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã đi thực địa và phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát, xã Y Tý và đơn vị thi công tiến hành kiểm tra, rà soát các hạng mục Bảo tồn truyền thống dân tộc Hà Nhì thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát.
UBND tỉnh Lào Cai đã kịp sửa sai bằng việc tạm dừng công trình chòi ngắm cảnh |
Rất nhanh sau đó, UBND tỉnh Lào Cai đã kịp sửa sai bằng việc ban hành văn bản khẩn số 2768/UBND-QLĐT về việc tạm dừng thi công hạng mục Chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát.
Đất đã được lấp lại ở chỗ những cột bê tông đang nhô lên, hàng rào sắt đã được tháo ra. Cảnh quan đã được trả lại nguyên trạng. Y Tý vẫn giữ trong mình một địa điểm chụp ảnh và check in đẹp nhất nhì cả nước, nơi mệnh danh là "chốn bồng lai tiên cảnh" nơi trần thế.