Tái sử dụng tối đa vật liệu gốc của Di tích Quốc gia đình Phú Lương, huyện Ứng Hòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tái sử dụng tối đa ngói, gạch xây tường cũ trong tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia đình Phú Lương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là nội dung yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp của di tích này. 

Đình Phú Lương ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà) thờ vị phúc thần tên là Bạch Lợi, ông là vị tướng giỏi dưới quyền chỉ huy của Cao Sơn và Quý Minh ở thời Hùng Vương thứ 18. Đây là công trình văn hóa cổ truyền, thuộc kiến trúc vào thời Nguyễn với hệ thống kiến trúc còn đẹp, vững chãi, bài trí đồ thờ bên trong phong phú về thể loại, đẹp về trang trí mỹ thuật.

Với những giá trị đó, ngày 18/5/1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia cho đình làng Phú Lương. Hàng trăm năm qua, chính quyền và nhân dân sử dụng di tích vào chức năng văn hóa đó là nơi hội họp của các tổ chức, hợp tác xã và nhân dân.

Hàng năm, tại đình còn mở hội truyền thống của làng, các lễ hội diễn ra với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm động viên được quần chúng noi theo truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân, hăng hái lao động sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp.

Theo thời gian, một số hạng mục của Di tích Quốc gia đình Phú Lương đã xuống cấp và cần ý kiến tham vấn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình tu bổ.

Ngày 18/6, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 2072/BVHTTDL-DSVH gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Lương, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Lương, với nội dung: tu bổ, tôn tạo đại bái, hậu cung.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Tái sử dụng tối đa ngói và gạch xây tường cũ còn khả năng sử dụng (lựa chọn khu vực mái phù hợp để lợp lại ngói cũ).

Điều chỉnh thiết kế theo hướng: tường trát vữa (không để gạch trần); chân tảng làm mới bổ sung theo mẫu chân tảng hiện có tại công trình.

Với nội dung như vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Dự án, công bố công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.