Bộ Mua sắm Quốc phòng Liên bang Thụy Sĩ (Armasuisse) đang treo thưởng 50.000 franc Thụy Sĩ (57.800 USD) cho 3 ý tưởng hay nhất về việc thu hồi khoảng 12.000 tấn đạn dược cũ từ một số hồ của nước này
Armasuisse cho biết, họ muốn có sự tham gia của giới học thuật và ngành công nghiệp để thu hồi lượng đạn dược đổ vào các hồ từ năm 1918 đến năm 1964 một cách an toàn và thân thiện với môi trường
Người ta cho rằng, việc này sẽ tiêu tốn hàng tỷ franc. Vậy tại sao các hồ của Thụy Sĩ lại chứa đạn dược cũ và lý do họ lại muốn thu hồi chúng ngay bây giờ?
Khoảng 12.000 tấn đạn dược đã được quân đội đổ xuống các hồ của Thụy Sĩ trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến thứ nhất.
Do nước này có diện tích hạn chế và mật độ dân số cao, đây từng được coi là cách an toàn để xử lý cả đạn dược dư thừa và đạn dược lỗi.
Ở một số hồ, những loại đạn dược này đã chìm xuống độ sâu từ 150 đến 220m. Tuy nhiên, ở những hồ khác, chẳng hạn như ở Hồ Neuchatel, đạn dược chỉ nằm cách mặt nước 6-7m.
Liệu việc đổ đạn xuống hồ có phải là cách xử lý phổ biến? Thụy Sĩ không phải là quốc gia duy nhất xử lý đạn dược cũ theo cách này.
Theo báo cáo năm 2017 từ Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân John Martin, khoảng 1,6 triệu tấn đạn đã được đổ xuống nhiều hồ, biển và đại dương lớn trên thế giới
Việc này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1918 đến năm 1970, với các bãi thải đạn dược lớn tập trung ở các vùng biển gần Đức và Vương quốc Anh.
Các chuyên gia tin rằng vùng nước sâu của hồ và biển sẽ có hiệu quả cô lập vũ khí, vật liệu nổ. Nếu có phản ứng hóa học nào thì môi trường dưới nước luôn an toàn, giúp giảm nguy cơ nổ.
Tuy nhiên, Thụy Sĩ đang muốn khẩn trương thu hồi số đạn này bởi mối lo ngại cho môi trường ngày càng tăng
Nhà địa chất học người Thụy Sĩ đã nghỉ hưu Marcos Buser trong báo cáo cách đây 10 năm cho biết, hợp chất trinitrotoluene (TNT) có trong đạn có thể làm ô nhiễm nước và đất xung quanh
Theo một nghiên cứu năm 2020, vỏ đạn bị ăn mòn giải phóng các sản phẩm phân hủy độc hại vào trầm tích và nước đáy. Chỉ có loại bỏ nguồn gây ô nhiễm mới có thể làm giảm ô nhiễm nước
Người ta cũng hiểu rằng ngòi nổ chưa tháo ra có nghĩa là chúng vẫn có nguy cơ phát nổ. Rất may là cho đến nay, chưa có vụ phát nổ nào.
Đến nay, có vẻ như chính quyền Thụy Sĩ đã cạn kiệt ý tưởng, sau khi phải đối mặt với vô số trở ngại trong nỗ lực giải quyết vấn đề.
Đánh giá rủi ro vào năm 2005 đã kết luận, tất cả các giải pháp được đề xuất để thu hồi đạn tại thời điểm đó sẽ dẫn đến sự nhiễu loạn và rủi ro cao đối với hệ sinh thái của các hồ nước, đồng thời rào cản khác là khó định vị và nguy cơ phát nổ
Thời hạn tham gia đề xuất ý tưởng đã được ấn định là tháng 2-2025 và giải pháp chiến thắng sẽ được công bố vào tháng 4 năm sau