Sức mạnh tuyệt đối của 4 oanh tạc cơ Tu-160 nâng cấp vừa được Không quân Nga tiếp nhận

ANTD.VN - Không quân Nga vừa nhận 4 oanh tạc cơ Tu-160 nâng cấp, chúng được trang bị vũ khí tấn công rất mạnh.

Nhà máy hàng không Kazan (KAPO) đã hoàn thành bàn giao 4 oanh tạc cơ Tu-160 nâng cấp cho Không quân Nga theo đúng kế hoạch, những phương tiện tác chiến này có gì đặc biệt?

Cặp "thiên nga trắng" đầu tiên được KAPO bàn giao cho Bộ Quốc phòng Nga là phiên bản Tu-160M2 sản xuất mới hoàn toàn, phương tiện này được phát triển hoàn chỉnh cách đây khoảng nửa thập kỷ.

Nhà máy Hàng không Kazan đã dành nhiều năm làm việc không mệt mỏi để thay thế thiết bị, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên môn và khôi phục những công nghệ đã mất, gần như bắt đầu từ con số 0.

Bên cạnh đó, điều đáng biểu dương là mọi công việc thuộc dự án nói trên đã kết thúc thành công trong thời hạn sớm hơn nhiều so với dự định ​​ban đầu.

Trở lại thời điểm năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga cho biết mong muốn bắt đầu sản xuất phiên bản Tu-160M2 trước năm 2023. Thông báo này gây chấn động trong cộng đồng chuyên gia quân sự quốc tế.

Nhưng cũng phải đến cuối năm 2023 Không quân Nga mới chính thức nhận bàn giao cặp Tu-160M2 đầu tiên, sự kiện trên đã được các quan chức cấp cao của Điện Kremlin công khai như một thành tựu lớn.

Cặp Tu-160 thứ hai là những chiếc "Thiên nga trắng" nâng cấp sâu, được hiện đại hóa từ những chiếc máy bay ném bom hiện đang phục vụ trong biên chế.

Có nghĩa đây là những chiếc Tu-160 cũ nâng cấp lên chuẩn Tu-160M ​chứ không phải được tạo ra từ đầu. Hai biến thể "Thiên nga trắng" mới về cơ bản đều giống hệt nhau, chỉ khác là sản xuất mới hay nâng cấp từ máy bay có sẵn.

Đáng quan tâm nhất là vũ khí trang bị đi kèm, khoang trong của Tu-160M/M2 vẫn có hai ngăn, mỗi ngăn chứa 6 loại đạn. Về cơ bản thì tên lửa hành trình Kh-101 và phiên bản hạt nhân của nó - Kh-102 vẫn là phương tiện tấn công chủ đạo.

Kh-101/102 được ứng dụng công nghệ tàng hình, có nhiệm vụ chọc thủng hệ thống phòng không đối phương, ngoài ra còn được tích hợp thiết bị đánh lạc hướng tên lửa phòng không đang bay tới, đây là một vũ khí cực kỳ đáng sợ.

Bên cạnh đó oanh tạc cơ siêu âm Tu-160M/M2 còn được trang bị tên lửa Kh-50 (tên gọi khác Kh-MD), có thông tin cho rằng loại đạn này đã được thử nghiệm ngoài thực địa.

Kh-50 nhỏ hơn "người anh em" Kh-101, mặc dù phạm vi tác chiến ngắn hơn (tầm bắn khoảng 1.500 đến 3.000 km), nhưng cũng có nghĩa là nó có khả năng lẩn tránh radar tốt hơn nhiều.

Quan trọng nhất, tên lửa Kh-50 có giá thành rẻ, khiến máy bay có thể sử dụng với số lượng lớn, hàng chục, thậm chí hàng trăm quả đạn sẽ được phóng đi trong một cuộc tấn công ồ ạt.

Không chỉ có vậy, các chuyên gia quân sự chú ý lo ngại viễn cảnh Nga trang bị tên lửa siêu thanh cho oanh tạc cơ Tu-160M/M2, trong đó Kh-47M2 Kinzhal là ứng viên nổi bật, khi đã trải qua thực chiến và có tỷ lệ thành công ấn tượng.

Nhưng tại sao Tu-160M/M2 lại được chọn thay vì các nền tảng máy bay khác? Lấy MiG-31K làm ví dụ, nó chỉ mang theo 1 tên lửa duy nhất, trong khi Tu-160 nâng cấp mang tới 8 quả.

Như vậy chỉ 4 chiếc Tu-160 hiện đại hóa có thể tấn công bằng tên lửa siêu thanh tương đương với cả trung đoàn tiêm kích MiG-31K. Trong tương lai nếu phi đội Tu-160M/M2 được mở rộng lên 50 chiếc thì mức độ đáng sợ còn lớn gấp bội.