'Sứ giả chiến tranh' Kh-31P Nga truy diệt hệ thống phòng không Ukraine

ANTD.VN - Trong cuộc xung đột đang diễn ra, Nga đã tích cực sử dụng tên lửa chống radar Kh-31P để phá hủy các thành phần của tổ hợp phòng không Ukraine. 
Truyền thông Nga cho biết, tên lửa hành trình chống radar Kh-31P đã thể hiện hiệu suất cao khi nhằm vào các hệ thống phòng không tầm xa của Ukraine.

“Lực lượng phòng không của Ukraine không thể phát hiện Kh-31P một cách kịp thời, và do đó việc không quân Nga sử dụng loại tên lửa này rất hiệu quả", trang Avia dẫn nguồn từ Svobodnaya Pressa cho biết.

"Bằng số lượng lớn tên lửa Kh-31P, Nga đã khiến cho lực lượng phòng không Ukraine hứng chịu nhiều tổn thất", trang Avia nhấn mạnh.

Phía Nga tiếp tục khẳng định thêm, việc tận dụng tên lửa Kh-31P đã khiến cho các hệ thống phòng không Ukraine nhiều lần tê liệt. Hiện phía Kiev chưa lên tiếng phản hồi về thông tin trên.

Được biết, ngay sau khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine, hàng loạt tên lửa chống radar Kh-31P đã được quân Nga phóng vào các mục tiêu tại Ukraine.

Rạng sáng ngày 24/2, hàng loạt tiếng rít gió kinh sợ của tên lửa chống radar Kh-31P vang trên bầu trời nhiều thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev. (Hình ảnh cảnh sát Ukraine kiểm tra xác tên lửa Kh-31P trên đường phố Kiev hôm 24/2).
Mục tiêu đầu tiên mà tên lửa Nga nhắm tới là các trạm radar phòng không Ukraine. (Hình ảnh trạm radar Ukraine trúng tên lửa Kh-31P của Nga).
Việc phá hủy các trạm radar này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổ bộ đường không của Nga đã diễn ra liền sau đó.
Tên lửa Kh-31 được Liên Xô phát triển từ cuối thập niên 1970 với mục tiêu cho ra đời vũ khí diệt radar có thể đối phó với những khí tài tối tân của Mỹ khi đó như tổ hợp phòng không Patriot và lá chắn Aegis trên các tàu chiến Mỹ.
Nguyên mẫu tên lửa chống radar Kh-31 đầu tiên được phóng thử năm 1982 và đưa vào biên chế vào năm 1988.
Phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên mang đầu dò thụ động chuyên diệt radar mang định danh Kh-31P.
Tiếp đó là biến thể chống hạm với đầu dò radar chủ động được gọi là Kh-31A. Cả hai phiên bản được công khai năm 1991, không lâu trước khi Liên Xô tan rã.
Các biến thể Kh-31 bay ở độ cao lớn để bám theo tín hiệu radar đối phương, cho phép nó đạt tốc độ hơn 4.300 km/h và tầm bắn 110 km.
Mọi biến thể Kh-31 đều dùng tầng đẩy sơ cấp để đạt tốc độ vượt âm, sau đó kích hoạt động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) để duy trì vận tốc siêu thanh trên toàn hành trình.
Hình ảnh phần đầu đạn của tên lửa chống radar Kh-31P. Có thể nói dòng tên lửa này đã làm tổn thương nghiêm trọng tới năng lực phòng không của Ukraine.
Các phiên bản hiện đại hóa Kh-31P của Nga hiện nay có thể đánh trúng đích từ khoảng cách 160-250 km.
Dòng Kh-31P được coi là một trong những vũ khí chiến thuật nguy hiểm nhất đối với các khẩu đội tên lửa phòng không, bao gồm cả S-300 của Ukraine.
Loại tên lửa Kh-31P có thể được Nga triển khai từ cường kích Su-24, tiêm kích hạng nặng Su-30SM và Su-35S, cũng như tiêm kích bom Su-34.