Sóng ngầm của thị trường nhà đất quanh vùng thủ đô mới của Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông báo vào tháng 8 năm ngoái của Chính phủ Indonesia về việc chuyển thủ đô từ Jakarta tới khu vực Đông Kalimantan đã khiến nhu cầu về đất nền ở thủ đô mới tăng vọt. Đại dịch Covid-19 làm cho kế hoạch có sự chậm trễ và thị trường nhà đất đã hạ nhiệt, nhưng giới đầu cơ vẫn âm thầm để mắt đến khu vực này.

Theo như tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo, kế hoạch chuyển thủ đô được cho là cần thiết vì Jakarta, một thành phố đông đúc và ô nhiễm với 10 triệu dân, trong nhiều năm phải chống chọi với tình trạng tắc nghẽn giao thông gây thiệt hại kinh tế 7 tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là một trong những thành phố chìm nhanh nhất trên Trái đất với các chuyên gia dự đoán rằng nó có thể bị chìm vào năm 2050.

Tuy nhiên, tình hình đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc chính phủ Indonesia phải chuyển các ưu tiên của mình, trì hoãn việc phát triển dự án trị giá 466 nghìn tỷ rupiah (32 tỷ USD). Hệ quả là, chuyện bán đất giờ không phải là chủ đề bàn tán của thị xã Penajam Paser Utara và Kutai Kartanegara trên đảo Kalimantan nữa. Ông Eko, một chủ nhà hàng ở Penajam Paser Utara cho biết: “Không ai còn nói về đất đai nữa. Khác hẳn với năm ngoái, ai đến quán ăn tối trong nhà hàng của tôi đều nói về giá đất”. Ông Debi, một cư dân của thành phố dầu lửa Balikapan, cách Penajam Paser Utara khoảng 80km về phía Đông, cũng nói rằng, nhu cầu về đất của thành phố nơi ông sống tăng vọt vào năm ngoái, nhưng hiện tại giá cả đang hạ nhiệt.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng Thống đốc Đông Kalimantan thăm khu vực dự kiến xây dựng thủ đô mới

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng Thống đốc Đông Kalimantan thăm khu vực dự kiến xây dựng thủ đô mới

Khó khăn chung ngăn cản dự án lớn

Mặc dù hiện tại không có công trình nào được xây dựng, ông Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia xác nhận rằng kế hoạch phát triển thủ đô mới vẫn sẽ tiếp tục ở thời điểm thích hợp. Theo ông Suharso Monoarfa: “Quy hoạch tổng thể vẫn đang được thực hiện. Kế hoạch chi tiết sẽ được phác thảo sau, bao gồm cả các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản ở các thành phố sẽ hỗ trợ thủ đô tương lai như Balikpapan, hay Samarinda”. Một đường cao tốc đã được xây dựng để kết nối Balikpapan với thủ phủ Samarinda của tỉnh Đông Kalimantan.

Bộ trưởng Suharso Monoarfa cũng tiết lộ rằng: “Các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thủ đô mới và họ tiếp tục hỏi khi nào thì bắt đầu. Tôi nghĩ điều này cũng quan trọng bởi vì sau Covid-19, sự phục hồi kinh tế sẽ tập trung vào các điểm đầu tư hứa hẹn vốn hóa cao và nhanh, một trong số đó ở Indonesia là dự án thành phố thủ đô”. Ông Monoarfa hoan nghênh các quốc gia khác đầu tư, đặc biệt là các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). “Theo tôi, sau này thủ đô mới cũng sẽ là biểu tượng của tình hữu nghị trong ASEAN, tại sao lại không có những di sản từ các nước ASEAN đóng góp cho thủ đô này?”. Ông Monoarfa hy vọng rằng dự án thủ đô mới có thể tiếp tục vào năm tới, một khi đại dịch Covid-19 được ngăn chặn.

Giới đầu cơ đất vẫn âm thầm khảo sát

Mặc dù thời điểm này dự án cụ thể vẫn không chắc chắn nhưng giới doanh nhân vẫn đang khảo sát đất đai ở vùng lân cận của thủ đô mới, trong đó có trường hợp đảo Malamber gần tỉnh Đông Kalimantan.

Vụ bán đất trên đảo Malamber thu hút sự chú ý của chính quyền sau khi có thông tin vào tháng 6 rằng, một người đàn ông được cho là đã bán hòn đảo rộng 6,4 ha với giá 2 triệu rupiah cho một doanh nhân ở Penajam Paser Utara. Malamber có 5 gia đình sinh sống, là một phần của chuỗi đảo Balabalakang, về mặt kỹ thuật, thuộc tỉnh Tây Sulawesi, nhưng gần Vịnh Balikpapan và bờ biển Đông Kalimantan.

Theo Hiến pháp, việc mua bán đảo là bất hợp pháp ở Indonesia vì quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, người bán nói rằng ông ta đã bán đất trên đảo chứ không phải chính hòn đảo, cảnh sát ở Tây Sulawesi vẫn đang điều tra vụ việc. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, chuỗi đảo Balabalakang sẽ giữ vị trí chiến lược phục vụ cho thủ đô mới, vì nó sẽ trở thành một tuyến đường quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực logistic ở miền Trung và miền Đông Indonesia.

Chính phủ Indonesia mới đầu dự định khởi công xây dựng thủ đô mới trong năm 2020 trên khu đất ban đầu là 40.000 ha và chuyển các chức năng hành chính trung ương đến thủ đô mới vào năm 2024. Kế hoạch dù chậm lại, ông Debi, cư dân Balikpapan, vẫn hy vọng thủ đô mới sẽ sớm được hiện thực hóa bởi chỉ có như vậy, kinh tế của vùng Đông Kalimantan mới phát triển.