"Sóng lớn" trên eo biển Đài Loan

ANTĐ - Quan hệ giữa Trung Quốc đại lục với Đài Loan (Trung Quốc) đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại sau khi Bắc Kinh tuyên bố ngừng cơ chế liên lạc với Đài Bắc do tân chính quyền của hòn đảo này từ chối công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Xu hướng độc lập của tân lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn khiến Trung Quốc lo ngại

Trong tuyên bố ngắn do Tân Hoa xã trích dẫn, Văn phòng các sự vụ Đài Loan của Đại lục nói rằng kể từ ngày 20-5, thời điểm bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, Đài Loan vẫn chưa xác nhận “Nhận thức chung 1992”. Chính vì thế, tuyên bố nêu rõ: “Vì phía Đài Loan chưa công nhận Nhận thức chung năm 1992, cơ sở chính trị chung thể hiện nguyên tắc một Trung Quốc, cơ chế tiếp xúc và liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã chấm dứt”. 

Kể từ khi lực lượng Quốc dân đảng bại trận bỏ chạy sang Đài Loan sau cuộc nội chiến năm 1949, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh và sẽ thống nhất lại với Trung Quốc, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trong khi đó, Đài Loan cho rằng mình không phải là một phần của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy ra khi ngày 25-10-1971, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 2758, theo đó trục xuất Trung Hoa dân quốc khỏi LHQ và thay thế ghế của Trung Hoa dân quốc tại Hội đồng Bảo an LHQ và mọi tổ chức khác của LHQ bằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhiều nỗ lực của Trung Hoa dân quốc nhằm tái gia nhập LHQ, không phải với tư cách đại diện cho toàn bộ Trung Quốc nữa, mà chỉ là đại diện cho nhân dân tại các vùng lãnh thổ do họ quản lý không được Đại hội đồng LHQ thông qua.

Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan liên tục nổi sóng. Nhằm giảm bớt căng thẳng, năm 1992, Hiệp hội Quan hệ hai bờ eo biển Trung Quốc và Quỹ Giao lưu hai bờ eo biển Đài Loan đã tiến hành trao đổi và hiệp thương. Kết quả là  hai bên đạt được nhận thức chung về sự tồn tại của một đất nước Trung Quốc, gọi là “Nhận thức chung 1992”. Nhận thức chung này đã tạo điều kiện cho hai bên xây dựng quan hệ và vượt qua phần nào tình trạng thù hằn bắt nguồn từ sự chia rẽ trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Tuy nhiên, hiểu về “nhận thức chung” này thế nào được các bên diễn giải khác nhau, ngay cả tại Đài Loan. Dưới thời lãnh đạo của ông Mã Anh Cửu, người tiền nhiệm của bà Thái Anh Văn, quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc ấm dần lên. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, ký kết một loạt thỏa thuận kinh tế mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, kể từ khi bà Thái Anh Văn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2016, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan bắt đầu tăng nhiệt.

Từ trước đến nay, Đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái Anh Văn vẫn kiên trì với cương lĩnh “Đài Loan độc lập”. Bà cũng chính là người đưa ra khái niệm “Nhất biên nhất quốc” - có nghĩa là “Mỗi bên một nước”, khiến cho Trung Quốc nổi giận. Bà cũng chưa bao giờ chính thức công nhận hay bác bỏ “Nhận thức chung 1992”. 

Quan điểm của bà Thái Anh Văn là cứ giữ nguyên trạng và từng bước biến Đài Loan thành một thực thể độc lập, duy trì nền dân chủ. Nghi ngờ bà Thái Anh Văn sẽ thúc đẩy việc giành độc lập nên kể từ khi bà này thắng cử đến nay, Bắc Kinh nhiều lần gửi đi những thông điệp cứng rắn về chủ trương, quan điểm “một Trung Quốc” sang phía bên kia eo biển Đài Loan, thậm chí tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ như một lời đe dọa đối với những động thái muốn độc lập của Đài Loan.

Với quyết định dừng “Cơ chế tiếp xúc và liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan”, Trung Quốc tiếp tục gửi một thông điệp cứng rắn nữa đến chính quyền Đài Loan. Đó là dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung Quốc - Đài Loan sẽ nóng dần lên.