- Hà Nội: Dự trữ hàng Tết tăng mạnh
- Hàng không dồn dập nhận tàu bay mới cho cao điểm Tết, nhiều chặng bay đã “cháy” vé
Ban tổ chức tặng hoa các đại biểu tham dự toạ đàm |
Sáng 13-12, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi- Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho hay: “Tọa đàm là cơ hội để cùng nhau tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”.
Bà Đỗ Tuệ Tâm- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, doanh nghiệp dự báo nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay dự kiến tăng khoảng 30%. Hapro đã có nhiều năm tham gia Chương trình bình ổn giá và dự trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán hàng năm do Sở Công Thương Hà Nội phát động, triển khai tại 3 hệ thống siêu thị: BRGMart, Hapromart, Haprofood.
Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, ngay từ đầu tháng 10-2024, Hapro đã làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch nguồn cung sản phẩm các loại. Hệ thống bán lẻ này đã tăng sản lượng hàng Tết lên 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện doanh nghiệp có khoảng 20 mặt hàng bình ổn giá, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao như: gạo ST 25 (công ty có vùng nguyên liệu sản xuất), các loại hạt đóng lọ để đóng vào giỏ quà Tết.
Các sản phẩm mang thương hiệu Hapro do các công ty, đơn vị trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất đã có uy tín trên thị trường: Gạo Hapro Đồng Tháp; Hạt điều rang Hapro; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà..., trong đó lấy sản phẩm trọng tâm là Gạo Hapro Đồng Tháp.
Đáng chú ý, theo bà Đỗ Tuệ Tâm, ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua online. Để đáp ứng nhu cầu này, Hapro đã xây dựng các trang fanpage, zalo và thông qua những trang giới thiệu của Sở Công Thương, trang báo điện tử để giới thiệu các mặt hàng, chương trình khuyến mại của doanh nghiệp.
Mặt khác, tập đoàn cũng có liên kết với các ngân hàng xây dựng nhiều chương trình chiết khấu mở thẻ tiêu dùng để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn.
“Trên thực tế, qua nhiều năm mua hàng online, người tiêu dùng đã quen và kiểm tra được chất lượng hàng hóa, nên yên tâm hơn trong việc mua sắm online. Phòng bán hàng của Hapro cũng update liên tục hàng mới, chương trình khuyến mại… để người tiêu dùng thuận tiện theo dõi khi có nhu cầu mua sắm.
Đặc biệt, trong dịp Tết Ất tỵ 2025, Hapro cũng có các chương trình bán hàng không lợi nhuận để tri ân khách hàng như: Chương trình Rồng rắn lên mây; Săn ngay đón Tết…”- bà Đỗ Tuệ Tâm nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông, Co.op Mart Hà Đông mang đến thị trường Tết Ất Tỵ 2025 những mẫu giỏ quà kết hợp duyên dáng giữa cổ truyền và hiện đại, với giá đa dạng, dao động từ 99 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng, nhằm phục vụ mọi nhu cầu từ trưng bày đến biếu tặng cá nhân, đoàn thể.
“Chúng tôi phục vụ cho rất nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… đều đặt hàng online. Doanh số hàng online của chúng tôi tăng 50% cho thấy khách hàng dịch chuyển sang mua bán trực tuyến rất nhiều”- đại diện Co.op Mart thông tin.
Ông Nguyễn Thế Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Tết năm nay, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2024, phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có thiên tai trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết, đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão úng ngập những tháng cuối năm 2024.
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn…
Đặc biệt, Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; Tổ chức các chợ hoa Xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Để đảm bảo chất lượng hàng Tết, Sở Công Thương sẽ phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa để tránh những vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng phục vụ người dân dịp Tết.