Săn tìm “trái đất” mới

ANTĐ - Châu Âu đang bắt tay khởi động kế hoạch đầy tham vọng nhằm săn tìm các hành tinh mới có điều kiện tương tự như Trái đất của chúng ta, tức là nơi có thể tồn tại sự sống.

2 mẫu phác thảo ban đầu về vệ tinh không người lái PLATO

Châu Âu ngày 19-2, công bố kế hoạch lớn đưa tàu thăm dò không người lái PLATO lên vũ trụ nhằm mục đích góp phần so sánh cấu trúc Hệ Mặt trời với các hệ hành tinh khác, mở ra một hướng đi mới trong ngành thiên văn học. Vệ tinh PLATO đã vượt qua 4 đối thủ nặng ký là EChO, LOFT, MarcoPolo-R và STE-Quest để được Ủy ban chương trình khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lựa chọn nhằm thực hiện chương trình “Sáng kiến tầm nhìn vũ trụ 2015-2025” đầy tham vọng của cơ quan này.

Theo phác thảo của các chuyên gia ESA, vệ tinh PLATO sẽ mang theo 34 kính viễn vọng và máy quay loại nhỏ. Nhiệm vụ của vệ tinh này là chọn lọc trong hàng nghìn hành tinh trong các hệ ngôi sao (tương tự như Hệ Mặt trời của chúng ta) để tìm ra những hành tinh kích cỡ Trái đất hoặc các “Siêu Trái đất” quay quanh các ngôi sao trong khu vực được coi là có thể tồn tại sự sống, nơi nước tồn tại dưới dạng lỏng. 

Ngoài ra, Giám đốc khoa học và thăm dò vũ trụ của ESA Alvaro Gimenez cho biết thêm, các phát hiện của PLATO sẽ giúp giới thiên văn xác định cấu trúc Hệ Mặt trời trong bối cảnh của các hệ hành tinh khác. PLATO sẽ thực hiện sứ mệnh của mình cùng với tàu thăm dò 2006-2012 CoRot của Pháp, dự kiến được phóng lên vũ trụ vào năm 2017.

Cũng theo kế hoạch của ESA, dự án triển khai vệ tinh PLATO sẽ được đầu tư khoảng 600 triệu euro (821 triệu USD), khoản ngân sách được xem là nghiên cứu, khai phá vũ trụ lớn nhất của châu Âu tính tới nay. PLATO, với thời gian hoạt động 6 năm, dự kiến năm 2014 sẽ được tên lửa đẩy Soyuz của Nga đưa lên điểm L2, cách Trái đất 1,5 triệu km, và là nơi vệ tinh thăm dò này có thể quan sát vũ trụ quanh năm mà không chịu bất kỳ cản trở nào từ Mặt trời, Trái đất hay Mặt trăng. 

Chương trình phóng tàu thăm dò PLATO của châu Âu là một nỗ lực mới nhất của nhân loại trong việc tìm kiếm các hành tinh có sự sống như Trái đất của chúng ta trong vũ trụ bao la. Để duy trì sự sống và cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, một hành tinh phải quay quanh sao chủ ở khoảng cách sao cho nó không trở nên quá nóng hoặc quá lạnh. 

Đi đầu và đạt được những thành tựu đáng kể nhất trong nỗ lực này là Mỹ và Nga, trong đó đáng kể nhất là chương trình không gian Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Những số liệu thu thập được từ trạm không gian Kepler được phóng lên vũ trụ từ năm 2009 tới nay, các nhà nghiên cứu cho biết có hàng tỷ hành tinh giống Trái đất trong Dải Ngân Hà xoay quanh các ngôi sao giống như Mặt Trời của chúng ta.

Các nhà thiên văn giờ đây ước tính rằng khoảng một trong năm ngôi sao giống Mặt trời có những hành tinh gần kích cỡ của Trái đất và cũng có nhiệt độ cho phép phát triển sự sống. Điều này đồng nghĩa với việc có ít nhất 8,8 tỷ ngôi sao với những hành tinh tầm cỡ như Trái đất trong vùng có nhiệt độ có thể ở được.

Cũng từ những dữ liệu nghiên cứu đã thu thập được, các nhà khoa học vũ trụ tin rằng sẽ “săn” được “trái đất” trong 25 năm tới. Dự án khoa học lớn PLATO của châu Âu được cho sẽ góp phần sớm làm sáng tỏ mối quan tâm lớn của nhân loại lâu nay là liệu có sự sống nào khác ngoài Trái đất của chúng ta.