Phim Việt tranh giải Oscar 2011: Đặt cược lọt vào Top 10!

ANTĐ - Không lỡ hẹn với Oscar như năm ngoái, điện ảnh Việt đã chọn ra được bộ phim sáng giá nhất gửi đi so tài tại “đấu trường” Hollywood diễn ra vào đầu năm 2012. Đó là phim của một hãng tư nhân về đề tài cổ trang và được làm trước thềm Đại lễ mừng Hà Nội tròn 1000 năm tuổi - “Khát vọng Thăng Long”.

“Khát vọng Thăng Long” xây dựng hai tuyến nhân vật với những tính cách rất rõ ràng


Một điểm 9 và hai điểm 8

Con số 3 phim gửi hồ sơ đăng ký vòng tuyển chọn quốc gia lần này chưa phải là nhiều so với hơn chục phim được sản xuất và ra rạp trong năm qua. Song đây lại là con số kỷ lục trong lịch sử phim Việt đăng ký dự thi Oscar kể từ khi điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên ghi danh vào cuộc đua Oscar năm 2005, bởi các năm trước đó cũng chỉ có nhiều nhất... một phim đăng ký xét duyệt, thậm chí có năm không có phim nào. Thêm nữa cả 3 ứng cử viên năm nay là “Long thành cầm giả ca”, “Khát vọng Thăng Long” và “Cánh đồng bất tận” đều tạo được dấu ấn riêng và gây tiếng vang ngang ngửa nhau sau khi ra rạp.

Nói như lời NSƯT Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thành viên Hội đồng xét duyệt thì trong cả ba phim trên, cử phim nào đi dự Oscar cũng được. Tuy nhiên vì tấm vé đến Oscar chỉ có một nên bắt buộc những người tuyển chọn phải “cân não” và sự lựa chọn cuối cùng đã nghiêng về “Khát vọng Thăng Long”. Theo thông tin được biết, tổng điểm mà “Khát vọng Thăng Long” nhận được từ Hội đồng xét duyệt là 9 điểm trong khi hai bộ phim còn lại đều đứng chân ở điểm 8.


Được chọn vì có “ngón nghề” trội hơn

Trước đó đã có nhiều ý kiến “đặt cược” vào việc “Long thành cầm giả ca” cầm chắc cơ hội đến với Oscar năm nay, tuy nhiên theo đại diện Hội đồng xét duyệt thì mặc dù là một bộ phim ít “sạn”, rất nhân văn và đậm chất Việt nhưng “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn lại sa vào tiết tấu chậm, cách dẫn giải câu chuyện tình diễm lệ giữa hai nhân vật chính thiếu điểm nhấn, không rõ ràng nên người xem sẽ thấy sốt ruột và khó hiểu. Trong khi đó, “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình mặc dù ghi điểm nhờ cảnh quay đẹp, âm thanh tuyệt vời và cốt truyện tốt song tiếc là cách dàn dựng còn thiếu tinh tế dẫn đến phim còn nhiều “sạn” và cái kết thì chưa thỏa đáng. Đây cũng là ý kiến được đa số thành viên trong Hội đồng xét duyệt đồng thuận trước khi bỏ phiếu.

Còn một trong những lý do quan trọng nhất khiến “Khát vọng Thăng Long” được lựa chọn, nói như lời ông Đặng Xuân Hải là bởi phim thể hiện “ngón nghề” trội hơn của người đạo diễn, từ cách xây dựng xung đột giữa hai tuyến nhân vật rất mạch lạc, tính cách các nhân vật rất rõ ràng đến bối cảnh, phục trang đều thuần Việt. Nói cách khác, phim thể hiện được cái “tôi” riêng của người đạo diễn. Chưa kể đến cái lõi nhân văn xuyên suốt thì phim còn được cộng điểm nhờ câu chuyện kịch tính, có nhịp điệu tiết tấu nhanh phù hợp với “gu” điện ảnh quốc tế. Tuy vậy được biết bộ phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng bị điểm trừ do cái kết làm người xem bị hẫng, phim khép lại khi chưa kịp cài những chi tiết thỏa đáng làm bật lên khát vọng hòa bình cao cả như tinh thần “Khát vọng Thăng Long” đặt ra.


Cơ hội nào cho phim Việt?

“Khát vọng Thăng Long” được chọn, nhiều người khấp khởi vì đây là lần đầu tiên điện ảnh Việt cử một bộ phim cổ trang đi dự Osar. Hơn nữa, năm nay sân chơi Oscar lần đầu tiên nới rộng việc xét chọn từ 5 phim lên 10 phim vào chung kết hạng mục giải thưởng dành cho phim nói tiếng nước ngoài, vì thế hi vọng “Khát vọng Thăng Long” sẽ gây ấn tượng và lọt vào Top 10.

Đây cũng là cái đích mà Hội đồng xét duyệt và nhà sản xuất “Khát vọng Thăng Long” kỳ vọng sẽ chạm tới tại sân chơi Oscar lần này. Nét độc đáo của phim là sự kết hợp tinh tế giữa chất dã sử với các pha võ thuật và giới thiệu được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Việt xưa, từ lễ tịch điền cầu mùa màng đến các làn điệu ca trù, chèo cổ... Tuy nhiên với một sân chơi tầm cỡ và nhiều tác phẩm thuộc hàng “cao thủ võ lâm” như ở Oscar, những bộ phim được đánh giá cao lại thường là những bộ phim có sức lay động người xem xuyên biên giới và có tính phổ quát chung có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia. Cũng bởi thế nên theo NSƯT Đặng Xuân Hải thì việc giới thiệu đến bạn bè quốc tế về dòng phim cổ trang Việt Nam và giúp phim cổ trang Việt có cơ hội “đo lượng” sức mình ở sân chơi thế giới vẫn là mục tiêu hàng đầu tại mùa giải Oscar năm nay!