Phép màu kinh tế Trung Quốc đang dần đi tới hồi kết?

ANTD.VN - Kinh tế Trung Quốc từng phát triển rất mạnh, mang lại kỳ vọng lớn đó là đưa Bắc Kinh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng "phép màu" đang suy giảm hiệu quả nghiêm trọng.

Kinh tế Trung Quốc từng gắn với quan niệm về một nhà cung cấp lao động giá rẻ, đồng thời là một nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn, yếu tố này từng mang lại thành công cho Bắc Kinh trong quá khứ.

Không thể phủ nhận quốc gia châu Á này đã tạo ra một bước đột phá kinh tế to lớn, thành quả là đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới mà nước này có được vào thời điểm hiện nay.

Nhưng tình hình đã thay đổi lớn trong khoảng thời gian gần đây, sau đợt tái cơ cấu vào cuối những năm 2000, chính quyền Trung Quốc quyết định thay đổi chiến lược kinh tế khi chuyển trọng tâm từ thị trường nước ngoài sang nội địa nhằm tận dụng sức mua khổng lồ.

Điều này dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu chế tạo cho thị trường trong nước những sản phẩm có chất lượng không khác gì thương hiệu hàng đầu thế giới, và tỷ trọng tầng lớp trung lưu tại đất nước này ngày càng tăng.

Bắc Kinh hiện là một trong những cường quốc công nghệ cao hàng đầu, khi cho ra đời những đoàn tàu có tốc độ gần bằng máy bay, các tòa nhà 10 tầng được xây dựng trong 29 giờ và nhiều giải pháp kỹ thuật khác mà phần lớn thế giới không thể tiếp cận đang được triển khai.

Tuy nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc chưa có ý định dừng lại, Bắc Kinh đã theo đuổi chính sách mở rộng kinh tế trong những năm gần đây, và chiến lược này không chỉ chú trọng vào khối lượng xuất khẩu khổng lồ đối với nhiều loại sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Trung Quốc đang đổ số tiền khổng lồ ra bên ngoài, chủ yếu tập trung vào các nước châu Phi hay châu Âu. Ngoài ra Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng “đòn bẩy tài chính” để đạt được mục đích.

Ví dụ, bằng cách cho các quốc gia nghèo nhất ở châu Phi vay tiền, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của những nước này và thậm chí đôi khi cả lãnh thổ, khi đất đai được sang nhượng dài hạn để đổi lấy việc thanh toán các khoản nợ.

Đáng chú ý hơn cả là trên 1 triệu người Trung Quốc đã có mặt tại châu Phi, nhiều người nắm giữ vị trí cấp cao tại các quốc gia Lục địa Đen. Về cơ bản, Bắc Kinh đã giành được quyền kiểm soát một số ngành kinh tế quan trọng nhất ở nước sở tại.

Nhưng liệu sức mạnh kinh tế có thể giúp Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới như các dự đoán từng được đưa ra vài năm trước đây? Nhiều chuyên gia chắc chắn là không.

Yếu tố đầu tiên dẫn tới nhận định này là một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đầy nguy hiểm đang diễn ra ở Trung Quốc. Theo dự báo, dân số của họ có thể giảm gần một nửa vào cuối thế kỷ này.

Thứ hai, một cách tự nhiên, mong muốn vươn lên vị trí số 1 của Trung Quốc khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây không chấp nhận, họ đã bắt đầu chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Ấn Độ cũng như tăng cường những khoản đầu tư lớn vào đất nước Nam Á.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là không giống như Trung Quốc, Ấn Độ mới bắt đầu bước vào thời kỳ “tăng tốc” về kinh tế và có thể sẽ vượt qua nước láng giềng trong tương lai gần.

Nhìn chung theo các nhà phân tích, “phép màu kinh tế Trung Quốc” đã đến hồi kết, thể hiện rõ nhất ở con số tăng trưởng đang ở mức thấp nhất trong 30 năm qua và tương lai được dự đoán khó có thể như kỳ vọng.