Pháo tự hành M109A7 của Mỹ có gì lại khiến đối thủ lạnh gáy?

ANTD.VN - Pháo tự hành M109A7 của Mỹ ngoài việc dội hỏa lực xuống cứ điểm đối phương, chúng còn có khả năng bắn hạ cả mục tiêu bay. 

Pháo tự hành M109A7 của Mỹ hiện là một trong những vũ khí chủ lực của lục quân Mỹ. Đây cũng là biến thể mới nhất của dòng pháo tự hành huyền thoại M109 Paladin của Mỹ vốn xuất hiện từ thập niên 1960.

Những khẩu M109A7 đầu tiên được trang bị cho Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn pháo binh dã chiến 82 của quân đội Mỹ.

Việc trang bị biến thể M109A7 đã diễn ra vào năm ngoái (2020), ngay sau đó chúng tiếp tục được trang bị với số lượng lớn để thay thế dần biến thể M107A6.

Những hệ thống pháo M109A7 được quân đội Mỹ trao cho nhà thầu quân sự nổi tiếng BAE Systems thực hiện sản xuất.

Hiện việc sản xuất mới đang được thực hiện tại chi nhánh của BAE Systems tại bang Pennsylvania. Ngoài việc cung cấp pháo tự hành M109A7 BAE Systems cũng sản xuất xe nạp đạn M992A3.

M109A7 được thiết kế để công kích mục tiêu cách xa tới 70 km khi sử dụng đạn tăng tầm dẫn đường đặc biệt.

Với tầm bắn này, M109A7 đã vượt xa các loại pháo cùng loại của Nga vốn chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 50km với đạn tăng tầm.

Phiên bản M109A7 sử dụng một số công nghệ phát triển cho chương trình siêu pháo tự hành XM2001 Crusader và XM1203 NLOS-C vốn đã bị hủy bỏ trước đó vì chi phí quá cao.

Điểm mới trên phiên bản này là pháo sử dụng hệ thống nạp đạn tự động cho phép giảm kíp vận hành xuống còn 4 người so với 6 người trên phiên bản cũ.

M109A7 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến lấy từ chương trình XM1203 NLOS-C cho phép nâng cao hiệu suất tác chiến.

M109A7 sử dụng pháo chính M258 155 mm, pháo mới có tầm bắn khoảng 30km, tuy nhiên Mỹ đang phát triển loại đạn mới cùng với những thay đổi trong cấu trúc giúp pháo có thể đạt tầm bắn tối đa lên tới 70km.

Để đạt được tầm bắn cực xa, pháo tự hành M109A7 có những thay đổi so với nguyên bản bao gồm trọng lượng cơ bản toàn hệ thống tăng thêm khoảng 450 kg, nòng pháo được kéo dài thêm, sửa đổi lại tháp pháo cũng như thiết kế mới loa giảm giật cho nòng.

Do nòng được kéo dài đáng kể nên vũ khí này bắn được những viên đạn có liều phóng lớn hơn, giúp tăng sơ tốc đầu nòng cũng như cung cấp tầm xa và độ chính xác vượt trội so với loại sử dụng nòng ngắn.

Hiện tại, pháo M109A7 có thể bắn đạn pháo có điều khiển XM982 Excalibur S với tầm bắn khoảng 60km.

Excalibur S là loại đạn pháo có điều khiển do tập đoàn Raytheon và BAE Systems hợp tác phát triển.

Đạn được dẫn đường bằng GPS với bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ khoảng 5m. Các thử nghiệm tại chiến trường Afghanistan cho thấy, khoảng 92% đạn pháo đã bắn có chỉ số CEP vào khoảng 4m.

Về mặt lý thuyết, M109A7 bắn đạn Excalibur S cho nổ trên không có thể sử dụng cho nhiệm vụ phòng không để phá hủy máy bay chiến đấu hoặc trực thăng.

Về bản chất, đạn pháo có điều khiển như Excalibur S tương tự một quả tên lửa có điều khiển, điểm khác biệt là đầu đạn được đẩy đi bằng liều phóng thay vì động cơ tên lửa.

Trong tháng 6/2013, tập đoàn Raytheon đã công bố phiên bản Excalibur S dẫn hướng bằng laser bán chủ động cho phép tấn công các mục tiêu di chuyển với tốc độ cao.

Tháng 9/2015, Raytheon đã giới thiệu phiên bản Excalibur N5 với cảm biến radar bước sóng milimet.

Như vậy, 2 phiên bản S và N5 có cơ chế hoạt động như một quả tên lửa phòng không.

Khi kết hợp với hệ thống radar điều khiển hỏa lực, M109A7 có thể hoạt động như một pháo phòng không có độ chính xác cao, đây là điểm độc đáo mà hiện chưa có loại pháo tự hành nào hiện nay làm được.
Những cỗ pháo M109A7 sử dụng khung gầm của xe chiến đấu bộ binh Bradley, nhưng được trang bị động cơ diesel tăng áp 675 mã lực, thay vì động cơ 440 mã lực tiêu chuẩn trước đây.
Việc trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn sẽ giúp tăng cường động cơ của pháo trong cả huấn luyện lẫn chiến đấu.