Oanh tạc cơ Tu-160M2 mới tinh đầu tiên của Nga tung cánh sau gần 30 năm
Việt Hùng
ANTD.VN - Oanh tạc cơ Tu-160M2 của Nga vừa có chuyến bay thử nghiệm thành công. Được biết đây là chiếc máy bay ném bom chiến lược hoàn toàn mới đầu tiên được nước này chế tạo kể từ năm 1992.
"Oanh tạc cơ Tu-160M2 số 1 được chế tạo mới đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công", tập đoàn quốc phòng Nga Rostec cho biết hôm 12/01.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy phi cơ cất cánh từ sân bay của nhà máy sản xuất máy bay Kazan.
Máy bay có màu xanh vàng của lớp sơn nền, chưa được sơn vỏ trắng do đang thử nghiệm trước khi được vào biên chế.
Chuyến bay thử kéo dài 30 phút ở độ cao 600 m, trong đó tổ bay thực hiện các động tác cơ động để đánh giá độ ổn định và khả năng kiểm soát trên không của máy bay.
Tư lệnh không quân chiến lược Nga Sergei Kobylash hồi đầu tháng tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp nhận hai oanh tạc cơ Tu-160M2 trong năm nay.
Nga không chế tạo oanh tạc cơ nào mới hoàn toàn kể từ sau năm 1992, trong đó dây chuyền sản xuất dòng Tu-160 đã đóng cửa năm 1995.
Nước này từng xuất xưởng một số máy bay Tu-160M trong giai đoạn 2002-2017, nhưng đều dựa trên những khung thân chế tạo dang dở từ trước.
Bộ Quốc phòng Nga quyết định khởi động lại dây chuyền chế tạo mới dòng Tu-160 vào năm 2015, trong bối cảnh dự án oanh tạc cơ tàng hình PAK DA bị đình trệ và thiếu ngân sách. Hình ảnh buồng lái chiếc Tu-160M2
Hợp đồng mua 10 oanh tạc cơ hiện đại hóa Tu-160M2 được quân đội Nga ký với nhà sản xuất hồi năm 2018 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin, với đơn giá khoảng 270 triệu USD/chiếc.
Không quân Nga tuyên bố cần ít nhất 50 chiếc Tu-160M2 được chế tạo mới, nhưng chưa có thêm hợp đồng nào được ký trong 3 năm qua.
Lực lượng này đang vận hành 17 máy bay Tu-160 nguyên bản và Tu-160M hiện đại hóa.
Tu-160 là oanh tạc cơ siêu thanh có sải cánh và khối lượng rỗng lớn nhất từng được chế tạo. Tính đến năm 2021, đây vẫn là loại máy bay chiến đấu to và nặng nhất thế giới, cũng như oanh tạc cơ có tốc độ cao nhất.
Nó được đặt biệt danh "Thiên nga trắng" nhờ lớp sơn có khả năng phản xạ tia phóng xạ và khả năng cơ động hiếm có đối với máy bay ném bom.
Máy bay có hai khoang chứa trong thân, mang được tối đa 40 tấn bom và tên lửa hành trình tầm xa với tầm bắn tối đa tới 2.500 km.
Moscow đã khởi động lại dây chuyền sản xuất Tu-160 và phiên bản hiện đại hóa Tu-160M2 trước khi hoàn thiện dòng máy bay ném bom tàng hình PAK-DA.
Phiên bản hiện đại hóa Tu-160M2 được trang bị hệ thống tự vệ tích hợp, thiết bị liên lạc và động cơ đời mới, cùng nhiều vũ khí tối tân nhằm tăng cường khả năng tiến công tầm xa có độ chính xác cao.
Quân đội Nga khẳng định uy lực của Tu-160M2 cao hơn hẳn so với biến thể Tu-160 nguyên bản, tầm bay cũng được tăng thêm 1.000 km.
Nhiệm vụ của Tu-160M2 là triển khai vũ khí hạt nhân và thông thường từ khoảng cách lớn.
Ngoài trang thiết bị điện tử và vũ khí mới, động cơ Kuznetsov NK-32 trên dòng Tu-160 sẽ được thay bằng phiên bản NK-32-02 trên phiên bản Tu-160M2, giúp tiết kiệm nhiên liệu và tăng hiệu quả hoạt động.
Máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và ở mọi khu vực trên thế giới. Tu-160 có tốc độ tối đa 2.220 km/h, tầm bay không cần tiếp dầu là 12.300 km và bán kính chiến đấu 7.300 km.
Tu-160M2 được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử của tiêm kích tàng hình Su-57, cùng hệ thống điện tử ứng dụng nhiều công nghệ mới như máy tính module và không sử dụng linh kiện nước ngoài.
Phiên bản mới này sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính với con quay hồi chuyển laser và cảm biến gia tốc thạch anh. Bộ thiết bị này có thể hoạt động hiệu quả ngay cả trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh, giúp phi công xác định tọa độ, hướng bay và tốc độ.
Vũ khí chính của Tu-160 là hai bệ phóng dạng ổ quay có thể chứa tới 12 tên lửa hành trình Kh-101 tầm bắn 1.500-2.500 km hoặc tên lửa hạt nhân Kh-15 tầm bắn 300 km.
Tu-160M2 thực sự đã trở thành một máy bay ném bom đa năng khiến Mỹ rất lo ngại bởi chúng vừa có thể là một máy bay tiêm kích đánh chặn, máy bay ném bom chiến lược tầm xa
Thậm chí còn có thể sử dụng Tu-160M2 với vai trò ném bom chiến thuật hoặc như một bệ phóng để phóng các tàu vũ trụ. Hiện Nga đang lên kế hoạch để trang bị khoảng 50 chiếc oanh tạc cơ này.