Pháo tự hành bánh lốp 2S22 Bogdana cỡ 155 mm do Ukraine chế tạo được nhận xét có độ chính xác cao hơn cả PzH 2000 của Đức, cũng như loại 2S7 Pion cỡ 203 mm sản xuất dưới thời Liên Xô.
Theo đặc điểm kỹ chiến thuật được công bố và kết quả sử dụng ngoài thực địa, pháo tự hành Bogdana có tầm bắn lên tới 42 km khi sử dụng đạn nổ mạnh thông thường, và lên tới 60 km khi bắn đạn tăng tầm lắp tầng đẩy phụ.
Tờ ArmyInform đã đánh giá rất tích cực vũ khí trên sau khi phỏng vấn các binh sĩ thuộc Lữ đoàn pháo binh số 48, được trang bị pháo tự hành Bogdana do Nhà máy công cụ máy hạng nặng Kramatorsk sản xuất.
Cần lưu ý, dữ liệu cụ thể về độ chính xác và tầm bắn của pháo tự hành bánh lốp Bogdana ngoài thực địa vẫn chưa được tiết lộ chính thức, nhưng cần nhấn mạnh đã có báo cáo từ chiến trường về việc khẩu pháo này bắn trúng mục tiêu ngay từ phát đạn thứ hai.
Nếu tiến hành phân tích sâu hơn nội dung của báo cáo này thì cũng có dữ liệu cho thấy trong quá trình chiến đấu ở khu vực Donetsk, pháo tự hành Bogdana đã tấn công mục tiêu cách xa 30 km, phá hủy nhiều đối tượng như sở chỉ huy, trận địa pháo, điểm tập kết xe thiết giáp...
Sức cơ động của tổ hợp vũ khí này cũng rất ấn tượng, ngoài ra dự trữ nhiên liệu của khung xe cơ sở cho tầm hoạt động trên đường cao tốc là 800 km, giảm xuống còn 300 km trên đường địa hình, tốc độ di chuyển trên đường nhựa lên tới 80 km/h, trọng lượng chiến đấu 28 tấn.
Khả năng sống sót của Bogdana cũng rất ấn tượng, khi một trong các tổ hợp đã chịu được đòn tấn công của 5 máy bay không người lái cảm tử Nga khi chúng đánh vào cabin bọc thép; ngoài ra khung gầm còn có khả năng chịu được một vụ nổ của mìn chống tăng lên tới 10 kg.
Đặc biệt, đã ghi nhận một tổ hợp Bogdana bị đạn 203 mm từ pháo tự hành 2S7 Pion nổ gần, bản thân bệ pháo đã bị vô hiệu hóa sức chiến đấu nhưng cabin không hư hại nghiêm trọng nên kíp lái vẫn sống sót.
Ngoài ra thiết bị tác chiến điện tử, lưới ngụy trang chống máy bay không người lái... đã được binh sĩ Ukraine bổ sung để bảo vệ pháo tự hành tại vị trí tác xạ.
Đồng thời việc triển khai chiến đấu rất nhanh chóng, tổ hợp pháo có mặt tại vị trí bắn, nhắm mục tiêu, khai hỏa, tiến hành căn chỉnh hỏa lực, tiếp tục bắn, sau đó nhanh chóng thu hồi và di chuyển đến nơi ẩn náu hoặc tới một vị trí khác.
Theo đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, đã có một tổ hợp Bogdana bắn được 3.000 phát đạn mà chưa gặp phải trục trặc kỹ thuật, trong khi các pháo tự hành khác thuộc Lữ đoàn số 48 đã bắn ít nhất 2.000 viên đạn.
Một trong những vấn đề thường gặp nhất của pháo tự hành Bogdana đó là thay thế nòng pháo và các thiết bị điện tử đi kèm, bởi đây là các thành phần dễ hư hỏng nhất.
Toàn bộ công việc sửa chữa đều do nhà máy sản xuất thực hiện, kíp chiến đấu chỉ cần đưa tổ hợp pháo tự hành của họ đến nơi an toàn, bàn giao và sau đó nhận lại vũ khí rất nhanh chóng.
Với thành công ngoài dự kiến, pháo tự hành Bogdana sẽ được Ukraine đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới, tiềm năng xuất khẩu của tổ hợp vũ khí này rõ ràng cũng rất lớn.