Nỗi ám ảnh 10 năm

ANTĐ - Vào thời điểm nhanh chóng lật đổ chế độ Taliban trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào Afghanistan cách đây tròn 10 năm, Mỹ hoàn toàn không ngờ rằng đất nước này lại trở thành “vũng lầy” an ninh níu chân một cường quốc như họ trong suốt một thập kỷ.

Sau 10 năm, Taliban vẫn là một mối đe dọa an ninh lớn tại Afghanistan

Chỉ ít lâu sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, đội binh hùng tướng mạnh của Mỹ ầm ầm tiến vào Afghanistan ngày 7-10-2001 để “đập tan sào huyệt của khủng bố” cũng như “trừng phạt những kẻ hậu thuẫn cho khủng bố”. Chỉ trong 3 tháng, quân Mỹ đã lật đổ chế độ hà khắc Taliban, buộc lực lượng này cùng các phần tử Al Qaeda phải rút vào ẩn náu tại những vùng rừng núi hiểm trở ở Afghanistan.

Ngỡ rằng với đà thắng như chẻ tre đó cùng việc dựng lên một chế độ được Mỹ hậu thuẫn tại Afghanistan thì chẳng mấy chốc quân Mỹ có thể ca khúc khải hoàn. Thế nhưng, trái ngược với tính toán của Mỹ, lực lượng Taliban chẳng những không tan rã mà còn ngày một lớn mạnh trở lại, biến Afghanistan thành một chiến trường thực sự với hàng trăm nghìn quân Mỹ cùng đồng minh trong Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF).

Bất chấp việc Mỹ và đồng minh đã đổ vào Afghanistan hàng trăm tỷ USD cùng sự hiện diện của hàng trăm nghìn quân song lực lượng Taliban và các phần tử khủng bố Al Qaeda vẫn là mối đe dọa lớn với an ninh tại quốc gia này. Số lính Mỹ chết trận tại Afghanistan tăng nhanh những năm gần đây với 155 người chết năm 2008, 316 người năm 2009... và 306 người từ đầu năm tới nay, nâng tổng số lính Mỹ thiệt mạng tại chiến trường này từ năm 2001 lên 1.752 người.

Để giải quyết "vũng lầy" an ninh Afghanistan nhằm tạo điều kiện cho việc rút quân, Tổng thống Barack Obama đã quyết định tăng thêm hơn 30 nghìn quân chiến đấu cho Afghanistan vào năm ngoái, nâng tổng số quân Mỹ và NATO trên chiến trường này lên hơn 150.000 người. Thế nhưng, việc tăng quân vẫn chưa thể giúp lập lại an ninh tại Afghanistan.

Lực lượng Taliban không chỉ hoạt động mạnh tại các vùng rừng núi và nông thôn mà còn đẩy mạnh tấn công tại nhiều thành phố lớn, kể cả ở thủ đô Kabul. Mới đây, Taliban đã tổ chức tấn công vào các mục tiêu được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt như Đại sứ quán Mỹ và Tổng hành dinh ISAF nằm giữa Kabul.

Đánh không xong, chính quyền Tổng thống Hamid Karzai được Mỹ hậu thuẫn đã phải thương lượng với Taliban như một lực lượng có ảnh hưởng chính trị tại Afghanistan. Thậm chí, LHQ cùng đồng minh quan trọng của Mỹ là Anh đã mở các cuộc thương lượng với Taliban, tuyên bố có thể xem lực lượng này như là một chính đảng có ảnh hưởng tới chính trường Afghanistan trong tương lai.

Song bất chấp cả “cây gậy” - các cuộc tấn công càn quét hay “củ cà rốt” - thương lượng hòa bình, lực lượng Taliban vẫn chưa từ bỏ đường lối bạo lực. Lực lượng này tuyên bố sẽ không có thương lượng hòa bình, chừng nào quân đội nước ngoài còn hiện diện tại Afghanistan.

Hơn một trăm nghìn quân Mỹ và ISAF còn phải khốn đốn với Taliban thì liệu quân chính phủ Afghanistan có đương đầu nổi khi việc rút quân nước ngoài dự tính hoàn tất vào năm 2014? Nỗi ám ảnh Taliban suốt 10 năm qua tại Afghanistan sẽ vẫn còn đeo đẳng tương lai quốc gia Nam Á này.