Những câu chuyện về tù binh đầu tiên của Mỹ trong Thế chiến 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây 80 năm, ngay sau trận Trân Châu cảng, quân đội Mỹ tại Hawaii bắt được một người đàn ông Nhật Bản kiệt sức bơi gần bờ. Họ không ngờ rằng, đó là thủy thủ của một đội tàu ngầm mini bí mật tham gia chiến dịch tấn công. Và người Mỹ đã có tù binh đầu tiên của cuộc chiến.

Bình minh ngày 8-12-1941, Trung úy Paul Plybonwas và Hạ sĩ David Akui thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Hawaii đang tuần tra bãi biển Waimanalo cách Trân Châu cảng 15 dặm về phía Đông thì phát hiện một người đàn ông bơi lả trên mặt nước. Trong tình trạng cảnh giác cao độ sau cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu cảng cách đó 1 ngày, lính Mỹ liền xông đến bắt giữ. Sau khi kéo người đàn ông lên khỏi mặt nước, họ phát hiện ra đó là một người Nhật. Kazuo Sakamaki trước đó vài giờ đã lái chiếc tàu ngầm mini trong nhiệm vụ xâm nhập Trân Châu cảng và đánh chìm các tàu Mỹ. Anh ta bị đưa đến pháo đài Shafter thẩm vấn và sau đó đưa đến trại tù binh, trở thành tù nhân đầu tiên của Mỹ trong Thế chiến 2.

Kazuo Sakamaki, tù binh chiến tranh đầu tiên của Mỹ trong Thế chiến 2 cùng con trai tại nhà máy Toyota nơi ông làm việc ở Tokyo ngày 21-11-1956

Kazuo Sakamaki, tù binh chiến tranh đầu tiên của Mỹ trong Thế chiến 2 cùng con trai tại nhà máy Toyota nơi ông làm việc ở Tokyo ngày 21-11-1956

Vũ khí lần đầu thử nghiệm

Sakamaki là thành viên của Đơn vị tấn công đặc biệt thuộc Hải quân đế quốc Nhật Bản (Imperial Japanese Navy - IJN). Đơn vị anh ta được bí mật giao một nhiệm vụ đầy thử thách là đưa 5 chiếc tàu ngầm mini loại A Ko-hyoteki (H-19) vào trung tâm Trân Châu cảng, chờ cuộc không kích bắt đầu thì phóng ngư lôi vào các tàu Mỹ. Các tàu ngầm này có hình dạng giống điếu xì gà, nó dài 23,7m và rộng 1,5m, thủy thủ đoàn gồm 2 người, tàu chạy hoàn toàn bằng pin, có thể di chuyển với vận tốc 19 hải lý/giờ và mang theo 2 quả ngư lôi nặng 450kg.

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc tấn công Trân Châu cảng chỉ được tiến hành bằng máy bay từ các tàu sân bay, nhưng các chỉ huy của IJN muốn thử nghiệm vũ khí mới. Họ cũng muốn sử dụng tàu ngầm để đánh chìm bất kỳ tàu Mỹ nào cố gắng chạy trốn khỏi cảng. Nhiệm vụ này bí mật và liều lĩnh, có thể là một đi không trở lại. Điểm hẹn đã được lên kế hoạch ở ngoài khơi đảo Lanai vào ngày 8-12, nhưng thời lượng pin hạn chế và lối ra khỏi bến cảng bị chặn nên tàu ngầm có khả năng không thể đến được đó. Không muốn vũ khí bí mật của mình lọt vào tay kẻ thù, người Nhật đã trang bị cho tàu ngầm cơ chế tự hủy, đồng thời các thủy thủ đoàn được cấp kiếm và súng lục để tự sát nếu bị bắt. “Chúng tôi là thành viên của một đội cảm tử, xác định là không có đường quay lại” - Sakamaki sau này viết.

Thực tế, đã có hơn 20 tàu ngầm tham gia chiến dịch tấn công này. Trong đó có 5 chiếc gồm I-16, I-18, I-20, I-22 và I-24 đóng vai trò là tàu ngầm mẹ và mang theo 1 tàu ngầm mini loại A trên boong. Ngay sau nửa đêm 7-12, khi các tàu ngầm mẹ chỉ cách Oahu 10 dặm, chúng đã thả tàu ngầm mini để xâm nhập cảng. Nhưng tất cả đều phải chịu một số phận nghiệt ngã. Vào lúc 3h50, một trong những chiếc tàu ngầm mẹ đã bị tàu quét mìn USS Condor phát hiện và báo động cho tàu khu trục USS Ward.

Ward khai hỏa vào mục tiêu vài giờ sau đó, bắn trúng tháp chỉ huy khiến nó chìm xuống đáy biển trong trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh chưa tuyên bố. Nhưng ít nhất một chiếc tàu ngầm mini loại A đã vào được bến cảng. Nó đã cố gắng phóng ngư lôi vào tàu hộ vệ USS Curtiss, nhưng ngư lôi trượt mục tiêu. Kế đó, nó nhanh chóng bị các tàu Mỹ đồng loạt tấn công và cuối cùng bị tàu khu trục USS Monaghan đâm và đánh chìm. Hai chiếc khác biến mất không rõ tung tích. Chiếc thứ 5 là tàu của Sakamaki đã gặp rắc rối ngay từ đầu do hỏng thiết bị điều hướng và mọi nỗ lực sửa chữa đều thất bại.

Quyết tâm vào bến cảng, thủy thủ đoàn đã cố gắng điều khiển, nhưng nó đi chệch hướng trong vô vọng và đâm vào các rạn san hô. Hiểu ra rằng, chiếc tàu ngầm mini không thể vào được cảng, thủy thủ đoàn đã cố gắng quay trở lại tàu mẹ, nhưng bộ pin hỏng khiến nó bốc khói. Do đó, Sakamaki và đồng đội quyết định tự đánh chìm tàu, nhưng ngay cả điều này cũng không thể thực hiện được và họ buộc phải rời bỏ con tàu. Trong quá trình bơi vào bờ đồng đội của Sakamaki đã chết đuối, chỉ còn một mình anh ta sống sót.

Một tàu ngầm mini của Nhật Bản mắc cạn sau cuộc tấn công Trân Châu cảng hôm 8-12-1941

Một tàu ngầm mini của Nhật Bản mắc cạn sau cuộc tấn công Trân Châu cảng hôm 8-12-1941

Nhiệm vụ tối mật

Về nhiều mặt, cuộc tấn công Trân Châu cảng ngày 7-12-1941 là một chiến dịch quân sự hoàn hảo. Lực lượng đặc nhiệm tấn công của Nhật Bản đã giữ được yếu tố hoàn toàn bất ngờ, tránh bị phát hiện dù mở cuộc xuất kích ở khoảng cách hơn 3.000 dặm, sử dụng thành công vũ khí bí mật và rút lui với tổn thất nhỏ. Nhờ những nỗ lực và sáng kiến của mình, Đệ nhất Không hạm đội Nhật Bản đã phá hủy hoặc làm hư hại 19 tàu của Hải quân Hoa Kỳ, trong đó có 8 thiết giáp hạm tại Trân Châu cảng. Theo ước tính, 75% máy bay Mỹ trên mặt đất tại Hickam (gần Trân Châu cảng) đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công. Trận đánh cũng cướp đi sinh mạng của 2.403 người bên phía Mỹ.

Làm thế nào mà người Nhật xoay xở thành công ở một tình huống như vậy trước người Mỹ? Câu trả lời ngắn gọn là IJA đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng tối ưu chiến thuật cũng như có được sự may mắn phi thường tại Trân Châu cảng. Giai đoạn đầu của cuộc tấn công, một hạm đội 67 tàu đã bí mật tập kết ở phạm vi có thể tấn công Hawaii có lẽ là thời điểm khó khăn nhất. Thời tiết xấu đã tạo thuận lợi cho lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản, những cơn bão đã cản trở quá trình giám sát của các tàu Mỹ. Lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản cũng được lệnh đánh chìm ngay lập tức bất kỳ tàu đồng minh nào mà họ gặp để ngăn khả năng chuyển tiếp thông tin cho phía Mỹ.

Tổng cộng, cuộc tấn công của Nhật Bản bao gồm 353 máy bay, trong đó tổn thất là 29 máy bay. Đáng nói, 2 vũ khí bí mật mà Nhật Bản sử dụng trong cuộc tấn công Trân Châu cảng ngoài tàu ngầm mini loại A Ko-hyoteki như đã nói trên còn có ngư lôi thả trên không Kiểu 91 Mod 2. Ngư lôi này sử dụng một số công nghệ mới để có khả năng vượt trội về hiệu suất hoạt động ở vùng nước nông.

Phòng điều khiển của chiếc tàu ngầm mini được trục vớt vào tháng 12-1941

Phòng điều khiển của chiếc tàu ngầm mini được trục vớt vào tháng 12-1941

Số phận của tù binh chiến tranh đầu tiên

Vài giờ sau khi Sakamaki bị bắt làm tù binh, tàu ngầm của anh ta được phát hiện và thu giữ cách đó 1 dặm. Một ngày sau đó, thi thể người đồng đội cũng được tìm thấy. Sakamaki đề nghị người Mỹ hãy bắn mình hoặc để cho anh ta tự sát. “Với tư cách là một người lính, tôi không còn chút danh dự nào. Tôi đã phản bội sự trông đợi của 100 triệu dân Nhật Bản và trở thành tù binh. Đó là điều rất đáng buồn” - tù binh này nói.

Sakamaki đã được trả tự do sau khi chiến tranh kết thúc. Anh đã viết một cuốn hồi ký ngay sau khi về nước và tiết lộ rằng, mình đã nhận được thư của những người Nhật bày tỏ sự phẫn nộ vì anh đã không tự sát khi rơi vào tay kẻ địch. Sakamaki sau đó làm kinh doanh và trở thành chủ tịch một công ty con của hãng Toyota tại Brazil vào năm 1969. Sakamaki nghỉ hưu năm 1987 và mất năm 1991 ở tuổi 81.

Chiếc tàu ngầm mini HA-19 đã được đưa đi triển lãm ở 41 bang trên khắp nước Mỹ để khuyến khích người dân mua trái phiếu chiến tranh. Hiện nó được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia về chiến tranh Thái Bình Dương ở Fredericksburg (Texas). Trong nhiều thập kỷ sau cuộc tấn công, những chiếc tàu ngầm khác bao gồm cả 2 chiếc mất tích đã được tìm thấy ở đáy biển gần Trân Châu cảng. Năm 1960, một chiếc đã được trục vớt và trả lại cho Nhật Bản để trưng bày.

Kazuo Sakamaki là thành viên của Đơn vị tấn công đặc biệt thuộc Hải quân đế quốc Nhật Bản (Imperial Japanese Navy - IJN). Đơn vị anh ta được bí mật giao một nhiệm vụ đầy thử thách là đưa 5 chiếc tàu ngầm mini loại A Ko-hyoteki (H-19) vào trung tâm Trân Châu cảng, chờ cuộc không kích bắt đầu thì phóng ngư lôi vào các tàu Mỹ. Là người duy nhất sống sót, ông trở thành tù binh đầu tiên của Mỹ trong Thế chiến 2.