Những ca ghép tạng lạ lùng nhất thế giới

ANTĐ - Đó là những câu chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật khi mà các ca cấy ghép tạng ngày càng phổ biến.

Ghép thận của tình địch

Một người phụ nữ 34 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước tình huống sẽ chết nếu không được ghép thận. 12 năm bị suy thận, Meliha Avci đã phải chạy thận 3 lần một tuần. Trong thời gian này, người chồng tên Mehmet đã sống với Meliha 16 năm có tình cảm với một phụ nữ khác. Để ngụy trang, Mehmet đã thuê Ayse Imdat, 34 tuổi về nhà mẹ đẻ của anh ta để trông cậu con trai nhỏ. Phát hiện ra mối quan hệ bất chính, người vợ xin chồng chỉ kết hôn với Imdat sau khi cô chết. Run rủi thế nào, Imdat thuyết phục Meliha lấy đi một quả thận của mình và tiếp tục chăm sóc Meliha sau ca ghép thận.

Muốn ghép thận phải ủng hộ “Quỷ đỏ”

Đối với nhà tư vấn quản lý đã nghỉ hưu Martin Warburton, 50 tuổi, việc cấy ghép tế bào tủy sống cho anh trai chỉ được thực hiện với điều kiện ông Paul phải trở thành cổ động viên câu lạc bộ bóng đá Manchester United. Anh trai ông, Paul Waburton, 59 tuổi, là fan hâm mộ của đội bóng Manchester City suốt 50 năm, và gần đây được chẩn đoán bị ung thư máu. “Hợp đồng” thỏa thuận giữa 2 anh em này là người anh phải trung thành suốt đời với “quỷ đỏ” ManU, quần áo chủ yếu mặc cũng là màu đỏ và nhiều điều khoản khác. Cứ nghĩ đó là trò đùa nhưng khi thực hiện, ông Paul thừa nhận với hãng tin The Telegraph rằng, đó “rõ ràng như tra tấn”.

Lắp tay vào chân suốt 3 tháng

Ming Li, 9 tuổi bị máy kéo chèn qua trên đường đến trường tháng 7-2010. Khi được đưa đến bệnh viện, các bác sỹ cho rằng bàn tay bị tổn thương nặng nên không thể gắn lại được ngay, vì thế, họ quyết định nối với chân phải để nó lành dần. Sau 3 tháng, tại một bệnh viện ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, bàn tay của Ming Li đã được đưa trở lại với cánh tay. Theo Orange News, sau phẫu thuật, cô bé có thể di chuyển cổ tay, bàn tay có màu hồng khỏe mạnh chứng tỏ sự lưu thông máu tốt. Các bác sỹ lạc quan tới mức nói rằng, trong tương lai, Ming Li có thể lái được xe ô tô.

Trả lại phần ghép vì vợ bị “sốc”

Năm 2006, các bác sĩ Trung Quốc thực hiện ca cấy ghép dương vật thành công đầu tiên từ 2 người khác nhau. Trong tai nạn cách đó 1 năm, một người đàn ông 44 tuổi giấu tên đã bị hỏng dương vật, khiến ông ta không thể đi tiểu hoặc quan hệ sinh lý. Sau ca phẫu thuật tại bệnh viện Quảng Châu, cơ quan đó của bệnh nhân hoạt động tốt, không có dấu hiệu bị từ chối. Bộ phận này do cha mẹ của một một thanh niên 22 tuổi đã bị chết não đồng ý tặng lại. Tuy nhiên, hai tuần sau đó, người đàn ông kia quay lại bệnh viện để trả lại “đồ mới ghép”, lý do là vợ ông gặp “vấn đề tâm lý nghiêm trọng” sau khi “cái đó” hoạt động. 

Được ghép thứ “không giống ai”

Một phụ nữ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium, nguyên nhân gây tử vong cho ít nhất 5.000 người mỗi năm ở Mỹ, đã được cứu sống khi bác sĩ cấy ghép vào đại tràng của chị một ít phân của chồng chị. Bệnh nhân nữ này đã bị sụt 25kg chỉ trong vòng 8 tháng do tiêu chảy liên tục và phải ngồi xe lăn. Dùng đủ loại kháng sinh nhưng vô hiệu. Bác sỹ Alexander Khoruts, chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa đã quyết định lấy một phần đại tràng của chồng chị này cấy ghép bởi trong đó có những vi khuẩn thiết yếu cho quá trình tiêu hóa. Kết quả là người vợ đã khỏi hoàn toàn.

Được mẹ “cho” tử cung

Sarah Ottosson, 25 tuổi, người   Stockholm, Thụy Điển sinh ra mà không có tử cung do một rối loạn di truyền hiếm gặp. Sarah mắc chứng bệnh mà chỉ có khoảng 1 trong 5.000 người trên thế giới sinh ra gặp phải, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân. Bà Eva Ottosson, 56 tuổi, người quyết định hiến tử cung để ghép cho cô con gái Sarah. Nếu năm 2012 này, ca phẫu thuật thành công tại Thụy Điển, mở ra hy vọng rất lớn cho Sarah là cô có thể có con, và đây cũng sẽ là đột phá trong nền y học thế giới. Cái khó của ca ghép này là tránh xuất huyết và can thiệp sâu ở phần xương chậu. 

Thay đổi nhóm máu sau khi cấy ghép

Demi-Lee Brennan ở Australia là trường hợp kỳ quặc 6 tỷ người mới có một. Sau khi được ghép gan, cô bé  Demi-Lee 15 tuổi kinh ngạc khi biết nhóm máu của mình là 0 âm bỗng chuyển thành 0 dương. Trước khi phẫu thuật năm 2001, cô bé bị suy gan nặng, chỉ có thể còn sống không quá 48 tiếng nên em được mổ khẩn cấp, ghép một lá gan mới dù không phù hợp. Lạ lùng là sau 9 tháng, các tế báo máu gốc trong lá gan mới sau đó đã xâm nhập vào tủy xương và chiếm lĩnh toàn bộ hệ miễn dịch. Điều này có nghĩa là Demi-Lee không còn cần các loại thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn cơ thể mình đào thải cơ quan ghép. Các bác sỹ ở bệnh viện nhi Westmead tại Sydney gọi đây là một “phép lạ” và có thể giúp tìm ra cách ngăn ngừa thải ghép trong tương lai.