Nhà thơ Hữu Thỉnh ghi lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ góc độ của người làm thơ với "độ lùi 70 năm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trường ca thơ "Giao hưởng Điện Biên" vừa được nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt, gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ. Những trang viết không chỉ kể lại những hồi ức về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh mà còn cả cuộc sống hôm nay của vùng đất lịch sử hào hùng này.
Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động khi hoàn tất tập trường ca "Giao hưởng Điện Biên"

Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động khi hoàn tất tập trường ca "Giao hưởng Điện Biên"

Ở tuổi ngoài bát thập, nhà thơ Hữu Thỉnh khiến bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến văn chương, yêu quý tài năng của ông không khỏi ngạc nhiên bởi vẫn miệt mài viết về đề tài mà ông chia sẻ là niềm say mê đối với mình nhưng cũng là "việc làm quá sức", đó là viết về Điện Biên Phủ. Ông cho biết, ý định viết về chiến công lịch sử này đến với ông từ những năm đầu của thế kỷ XXI, sau khi ông đọc tập hồi ức "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện.

Tuy nhiên lúc bấy giờ, ông tự thấy sự tích lũy vốn sống của mình còn ít ỏi, thứ nữa là bản thân còn đang vướng bận vào công việc quản lý. Vì thế, việc chuẩn bị cho tập trường ca "Giao hưởng Điện Biên" chỉ thật sự đến với ông sau khi ông nghỉ hưu. Song khi có thời gian tập trung cho việc sáng tác cũng là lúc thời kỳ viết lách sung sức đã đi qua và "những gì được gọi là chớp sáng, bay bổng, xuất thần thì khi bước vào tuổi 80 đã trở nên vơi hụt, sút giảm ngoài ý muốn".

Trường ca "Giao hưởng Điện Biên" được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-2023 và hoàn thành sau gần một năm. Tác phẩm có lời thơ mộc mạc, ý tứ sâu sắc, thể thơ bát ngôn dễ đọc, dễ hiểu, khơi dậy trong thế hệ trẻ về tình yêu và lòng tự hào dân tộc, biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong tập trường ca này, ông dành hẳn một chương mở đầu để viết về chuyện đi xuất ngoại bí mật của Bác vào đầu năm 1930, tiếp đó là chiến dịch biên giới. Sở dĩ vậy bởi ông nghĩ nếu không có thành công của hai sự kiện trên thì chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn để giành thắng lợi trước một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh mà phía địch dày công xây dựng ở Điện Biên Phủ.

Nói kỹ hơn về hoàn cảnh sáng tác tập trường ca, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, vào dịp đầu Xuân Tân Tỵ 2001, ông có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam lên trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội tặng tác phẩm “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Khi đó, Đại tướng rất vui và có nói đại ý rằng, cuốn sách được Hội Nhà văn trao giải thưởng chắc sẽ có thêm nhiều người tìm đọc. Đại tướng cũng thăm hỏi ân cần về tình hình văn học, hoạt động của Hội và gửi lời chúc năm mới tới tất cả nhà văn. Trước lúc ra về, ông được Đại tướng trao tặng tập hồi ức nói trên và vui vẻ bảo: "Đây là quà năm mới tôi tặng đồng chí”.

Hơn hai mươi năm đã qua kể từ ngày đáng ghi nhớ ấy, trong suốt quãng thời gian đó, ông đã nhiều lần đọc đi đọc lại cuốn "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử", tiếp nhận từ đó những giá trị cao quý về vẻ đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ, về sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, của Bác và đặc biệt là thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tác phẩm của Đại tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ông. Sau nhiều năm trăn trở, ông đi đến quyết định phải viết gì đó về Điện Biên Phủ. Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, ông đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu ở vùng đất lịch sử này, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về võ công oanh liệt này của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Để tôn trọng tính chân thực lịch sử, trong tập trường ca này, ông sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm.

"Tôi đã viết thư xin phép gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình nhà văn Hữu Mai và đã được chấp thuận." - nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.

Tuy vậy, tác giả của trường ca "Giao hưởng Điện Biên" thừa nhận, ông gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào viết tác phẩm này mặc dù tình cảm rất sâu nặng. Khó theo lời ông lý giải là ở chỗ viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Khó hơn nữa là qua 70 năm, sự kiện lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu ông còn có thể đem đến một cái gì mới hơn không. Đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với người viết. Trong trường ca này, ông muốn đặt chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm.

Suy nghĩ là như vậy nhưng làm được đến đâu còn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của người viết. Với tất cả sự thành tâm của mình, ông chỉ dám xem “Giao hưởng Điện Biên” như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong kho tàng thi ca đồ sộ của nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng đã từng có những trường ca thơ tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả như: Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016)… Tuy nhiên, "Giao hưởng Điện Biên" là trường ca thơ dài nhất của ông với 21 chương. Ra mắt trong dịp này, Giao hưởng Điện Biên thực sự là một trong những hoạt động văn học nghệ thuật vô cùng ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị về tinh thần cho công chúng, khi tất cả đang cùng huớng về Điện Biên với những cảm xúc thiêng liêng và tự hào.

Chia sẻ về bản trường ca này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá đây là một tác phẩm văn học vô cùng ý nghĩa hướng đến ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, khơi dậy tình yêu và lòng tự hào dân tộc, cũng như sự biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho Tổ quốc, đối với thế hệ trẻ hôm nay. Lời thơ mộc mạc, ý tứ sâu sắc, thể thơ bát ngôn dễ đọc, dễ hiểu nên Giao hưởng Điện Biên chắc chắn sẽ lan toả rộng rãi không chỉ trong cộng đồng người yêu thơ mà còn chinh phục nhiều đối tượng độc giả.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (sinh năm 1942) tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên. Ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liên tục từ khóa thứ ba đến khóa thứ tám, đảm nhận chức Chủ tịch Hội bốn nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2000 đến 2020. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa 10 và 11. Ngoài ra, ông từng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả như: Sang thu; Trên một chiếc xe tăng; Thơ viết ở biển; Chiều sông Thương...